Tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức để ngăn ngừa tham nhũng

09/11/2022 14:43

Kinhte&Xahoi Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính; tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức; đồng thời cần kiên trì nâng cao nhận thức.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, tham nhũng có ở mọi nơi trên thế giới và các nước phát triển trước ta, nước nào cũng phải trải qua công tác phòng, chống tham nhũng. 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Chỉ khi nào toàn xã hội cùng có chung một nhận thức thì lúc đấy tham nhũng mới được thuyên giảm.

Hiện nay, những nước dẫn đầu về phòng, chống tham nhũng, các chỉ số chống tham nhũng đạt cao trên thế giới như Bắc Âu, Đan Mạch hay New Zealand thì chỉ số cũng chỉ đạt 88 điểm, còn Phần Lan, Singapore đứng thứ hai đạt 85 điểm, không có nước nào đạt 100 điểm.

Như vậy, việc tham nhũng xảy ra khắp nơi trên thế giới, ngay cả trong các nước phát triển, còn chúng ta đang đạt 39 điểm.

Tham khảo kinh nghiệm của những nước phát triển, đại biểu Nguyễn Quang Huân thấy có 3 điểm. 

Thứ nhất, cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác.

Việc phòng là quan trọng, chúng ta làm tốt, đó là bảo vệ cán bộ... 

Bởi ở các nước có bộ quy tắc phân định rất rõ hành vi tham nhũng. 

Ví dụ, hành vi vận động hành lang gọi là lobby đúng cách thì không phải là tham nhũng. 

Khi cán bộ, công chức thực thi trong bộ quy tắc đó, người ta biết lằn ranh tới đâu được làm, tới đâu không được làm. 

Ở Việt Nam, một vài cơ quan có thể đã ban hành nhưng chưa thành một phong trào trên toàn xã hội, ở tất cả các doanh nghiệp, cơ quan công quyền, tổ chức.

Thứ hai, phải tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức.

Thứ ba, phải kiên trì nâng cao nhận thức. 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân tin rằng cùng với quá trình phát triển kinh tế, cùng với quá trình phát triển xã hội thì nhận thức chung của xã hội sẽ dần dần đi lên. 

Bởi, công cuộc chống tham nhũng không phải là một bộ phận này hay một bộ phận kia, nhóm cộng đồng này, nhóm dân cư kia mà phải là toàn xã hội, toàn lực lượng. 

Chỉ khi nào toàn xã hội cùng có chung một nhận thức thì lúc đấy tham nhũng mới được thuyên giảm. 

Nếu chúng ta làm thường xuyên như rửa mặt hàng ngày, thì có thể hy vọng sau 1 - 2 thế hệ nữa thì chỉ số nhận biết tham nhũng của Việt Nam có thể ở mức trên trung bình của thế giới.

VGP - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc v