Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 và hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) nhằm kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ Thành phố và cộng đồng chung tay hành động xây dựng Thành phố an toàn thân thiện, phòng chống bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2022 - là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Các cấp Hội phụ nữ Hà Nội hưởng hứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (Ảnh: Thanh Thanh)
Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 hàng năm được Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã chỉ định lựa chọn từ năm 1999 nhằm kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới tổ chức các hoạt động nâng cao ý thức mọi người về tình trạng bạo hành với phụ nữ.
Việt Nam đã là một trong những quốc gia được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong việc tham gia và thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em, đồng thời cũng là điểm sáng về những thành tựu trong công tác bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới,...
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính. Chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 65/162 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hà Nội, với vị thế của Thủ đô, trái tim của cả nước, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố đã luôn quan tâm chỉ đạo thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ: Quán triệt triển khai Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 10/5/2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ của thành phố Hà Nội trong tình hình mới; Ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; và nhiều chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu tại Lễ Phát động, bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, định kiến giới, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em còn xảy ra, một số vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội.
Cả nước có gần 62,9% phụ nữ chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra; có 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt bạo lực tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.009 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ em gái - chiếm 89,8%.
Trên địa bàn Hà Nội, trong 3 năm 2019-2021, theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, toàn thành phố có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; theo báo cáo hàng năm của Tòa án nhân dân Thành phố, trong 3 năm 2019 -2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tòa án đã thụ lý 283 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 305 bị cáo, năm sau số vụ tăng hơn năm trước.
Tại chương trình, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trao hỗ trợ (Ảnh: Thanh Thanh)
“Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giới nữ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em”, bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.
Các cấp hội đã có nhiều mô hình thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực, vận động nam giới chia sẻ với phụ nữ, đề xuất giải quyết kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em như: Hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, các tổ tư vấn pháp luật, nhóm nòng cốt truyên truyền pháp luật, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; “Làng quê an toàn”, “Thành phố An toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái”, “Nhà trọ an toàn”, “Chung cư an toàn”, Ngôi nhà tạm lánh, CLB “Nam giới lên tiếng”, CLB “nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em”, Câu lạc bộ “Gia đình nói không với bạo lực”, CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực gia đình”....
Đồng thời, ký kết nhiều Chương trình phối hợp với các cơ quan tố tụng, các sở, ban, ngành hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, phòng ngừa bạo lực, xâm hại và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em.
Trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, Hội LHPN Hà Nội tổ chức các sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại phụ nữ trẻ em gái tại quận Thanh Xuân, Đống Đa, Ứng hòa với gần 1.000 hội viên phụ nữ tham gia; tổ chức 2 tọa đàm với chuyên đề “Quan niệm đúng - nền tảng thành công của bình đẳng giới ở Việt Nam”. Hội LHPN các quận, huyện đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức nhiều hình thức hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như truyền thông hưởng ứng, tập huấn, tọa đàm, treo các băng rôn khẩu hiệu tại đơn vị, nơi công cộng.
Thông qua các hoạt động cụ thể này, Hội LHPN hy vọng các thông điệp về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em sẽ lan tỏa mạnh mẽ tới các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn, để phụ nữ và trẻ em luôn được sống trong tình yêu thương, được chăm lo phát triển toàn diện, vì Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Bảo Thoa - LĐTĐ