Không được cấp phép vẫn vô tư “cái gì cũng làm”…
Như đã thông tin trước đó, tòa soạn nhận được phản ánh của bạn đọc về việc cơ sở Thẩm mỹ viện Việt Hàn (địa chỉ tại số 83, đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đang thực hiện các hoạt động quảng cáo, tư vấn những dịch vụ liên quan đến phẫu thuật, xâm lấn da như tiêm filler, giảm béo, nâng mũi, thu gọn cánh mũi, độn cằm,… tại chỗ với mức giá được cho là “ưu đãi”.
Thẩm mỹ viện Việt Hàn địa chỉ tại số 83 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trong vai một người cần tư vấn dịch vụ thu gọn cánh mũi, tiêm filler cằm, chúng tôi đến thẩm mỹ viện Việt Hàn và được nhân viên tư vấn cũng kiêm luôn việc thăm khám cho khách hàng bằng cách sờ, nắn lên vùng muốn làm dịch vụ.
Tư vấn viên cho biết: “Bên chị (Thẩm mỹ viện Việt Hàn- PV) cái gì cũng làm. Em (PV) đặt lịch là lên làm luôn”.
Mục sở thị tại cơ sở Thẩm mỹ viện Việt Hàn, chúng tôi nhận thấy rất đông khách hàng đang chờ làm dịch vụ. Theo lời cô nhân viên này, các khách hàng ở đây đều đang chờ để thực hiện dịch vụ nâng mũi, thu gọn cánh mũi.
Bày tỏ nghi ngại về việc chuẩn bị đi chơi xa, sợ phẫu thuật đau đớn, phải kiêng khem, nhân viên lập tức động viên: “Em (PV) yên tâm, làm nhanh lắm, tiêm chỉ độ 15 phút, còn thu gọn mũi khoảng 20 phút là đẹp ngay, làm xong em đẹp luôn, không phải kiêng gì cả”.
Tư vấn viên Thẩm mỹ viện Việt Hàn tự tin tư vấn về các dịch vụ xâm lấn.
Được biết, sau bất kỳ ca phẫu thuật nào dùng thuốc tiêm tê, gây chảy máu thì mọi bệnh nhân đều phải được nghỉ ngơi tại chỗ để theo dõi tránh các sự cố hậu phẫu. Thế nhưng tại thẩm mỹ viện Việt Hàn, các khách hàng thực hiện dịch vụ tại tầng hai sau đó xuống tầng một để nghỉ ngơi, khách muốn về lúc nào thì về. Phải chăng đây là một hành động chủ quan, coi thường tính mạng khách hàng?.
Có thể thấy, thẩm mỹ viện này không chỉ dừng lại ở việc ngang nhiên quảng cáo trên mạng xã hội, tư vấn cho khách hàng mà nguy hiểm hơn khi thực hiện cả những ca dịch vụ nằm ngoài giấy phép hoạt động ngay tại cơ sở.
Lời phủ nhận về sự tư vấn “vô trách nhiệm” từ phía chủ cơ sở?
Theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, TMV Việt Hàn chỉ được cấp phép làm dịch vụ chăm sóc da (không dùng phẫu thuật, không gây chảy máu), phun, xăm thẩm mỹ (không dùng phẫu thuật, không gây chảy máu), mua bán mỹ phẩm. Người đại diện hộ kinh doanh là ông Nguyễn Tiến Thuận, vốn kinh doanh là 18.000.000 đồng.
Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh của TMV Việt Hàn.
Một thẩm mỹ viện không được phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, xâm lấn lại ngang nhiên tư vấn “cái gì cũng làm”, quảng cáo từ tiêm filler (chất làm đầy- PV) đến nâng mũi, độn cằm, cắt mí,... Đây phải chăng là dấu hiệu của việc hoạt động trái phép, vì ham lợi nhuận mà coi thường tính mạng của khách hàng?
Để mang đến thông tin khách quan, đa chiều cũng như bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của khách hàng và làm rõ những nghi vấn sai phạm tại thẩm mỹ viện Việt Hàn, PV đã liên hệ làm việc với Thẩm mỹ viện Việt Hàn.
Tuy nhiên, phía đại diện cơ sở không làm việc trực tiếp với PV mà chỉ phản hồi qua mail về hoạt động làm đẹp tại thẩm mỹ viện.
Vị đại diện cho biết không nắm rõ việc tư vấn làm đẹp của nhân viên và câu nói khẳng định: “Bên chị (Thẩm mỹ viện Việt Hàn- PV) cái gì cũng làm" của tư vấn viên chỉ là câu nói cửa miệng.
Lẽ nào, một cơ sở lớn, có tên tuổi như Thẩm mỹ viện Việt Hàn lại không hề hay biết việc nhân viên của mình tư vấn sai chức năng, nhiệm vụ cho khách hàng ngay tại chính cơ sở?…
Bên cạnh việc “chối bỏ” những lời tư vấn “vô trách nhiệm” của nhân viên dưới quyền, vị đại diện này cho biết, thẩm mỹ viện Việt Hàn không được cấp phép thực hiện các dịch vụ làm đẹp xâm lấn cơ thể.
Như vậy, câu trả lời từ phía Thẩm mỹ viện Việt Hàn phải chăng gián tiếp thừa nhận các nội dung quảng cáo và hành động tư vấn trực tiếp (những danh mục không được cấp phép) cho khách hàng trước đó là vi phạm pháp luật...?!
Có hay không việc nhân viên tư vấn sai mục đích, chức năng? Nếu khách hàng tin và thực hiện các dịch vụ như nhân viên tư vấn thì ai là người sẽ làm và làm ở đâu? Khách hàng làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ, không đủ trình độ về chuyên môn cũng như cơ sở vật chất xảy ra rủi ro, biến chứng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Câu hỏi này xin gửi về các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Theo luật sư Lê Minh Đức, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: căn cứ theo quy định tại Nghị định 158/2013 NĐCP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng hoặc quá phạm vi chuyên môn được ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, theo Nghị định 176/2013NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoặc vượt ngoài phạm vi được cấp phép hoạt động có thể bị phạt đến 70 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động.
|
Theo Khoẻ 365/GĐ&PL