Thành ủy Hà Nội khuyến khích giao việc đột phá, tập trung giải quyết việc mới, việc khó

15/03/2022 19:35

Kinhte&Xahoi Khuyến khích các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, tổ chức thí điểm một số mô hình, cơ chế, nhất là tổ chức thí điểm giao và thực hiện việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ theo thẩm quyền; trước mắt tập trung vào những việc mới, việc khó, bức xúc... tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Đây là nội dung được nêu trong Kế hoạch số 67-KH/TU ngày 15-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Thực hiện Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.

Kế hoạch gồm 3 phần, nêu rõ 3 mục đích, yêu cầu; 5 nội dung chính và 5 phần phân công tổ chức thực hiện.

Nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị

Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ yêu cầu, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 14-KL/TƯ của Bộ Chính trị tạo bước chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; từ đó phát huy tinh thần, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thúc đẩy những hành động đổi mới, đột phá vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên Thủ đô; lan tỏa tạo thành các phong trào đổi mới, sáng tạo, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp xây dựng Đảng bộ thành phố thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh.

Theo Kế hoạch, nội dung thực hiện đầu tiên là phải nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và đồng thuận trong xã hội về chủ trương nêu trên; coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tư duy đổi mới, sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên Thủ đô, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xác định rõ chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị thành phố.

Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khuyến khích cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng, quyết đoán trong hành động; dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, lạc hậu; tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn để bứt phá, giải quyết những nút thắt, vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn; tạo được chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố, địa phương.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.

Các cấp ủy, chính quyền nghiên cứu, cụ thể hóa chủ trương khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá thành các quy chế, quy định và các văn bản khác đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị, tạo cơ sở pháp lý động viên, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.

Trước hết, cấp ủy, chính quyền nghiên cứu, bổ sung, cập nhật nội dung khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung vào trong quy chế làm việc để thống nhất chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự đảng UBND thành phố căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo rà soát, thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung trong các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Tập trung giải quyết điểm nghẽn, nút thắt

Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ nguyên tắc, cách thức báo cáo cũng như việc xem xét, quyết định việc thực hiện nội dung đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ.

Theo đó, cấp ủy các cấp lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện thực hiện các chủ trương và đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách trong phạm vi thành phố, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa hiệu quả, không còn phù hợp với thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng... vì sự phát triển chung của Thủ đô.

Các đề xuất đổi mới, sáng tạo phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác. Cấp nào quản lý cán bộ cấp đó có trách nhiệm xem xét, quyết định về đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ thuộc cấp mình quản lý theo phân cấp.

Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo chuẩn bị báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác (trường hợp là đề xuất của người đứng đầu thì báo cáo tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác) để được xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo lên cấp trực tiếp quản lý cán bộ.

Báo cáo đề xuất của cán bộ phải nêu rõ sự cần thiết; căn cứ và cơ sở lý luận, thực tiễn của nội dung đề xuất; dự báo phạm vi tác động, tính khả thi; thực trạng vấn đề, nội dung đề xuất; định hướng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, phương án triển khai và lộ trình thực hiện; tổ chức thực hiện; đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền (khuyến khích cán bộ xây dựng thành các đề án, dự án cụ thể).

“Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ.

Hà Vũ - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1027020/thanh-uy-ha-noi-khuyen-khich-giao-viec-dot-pha-tap-trung-giai-quyet-viec-moi-viec-kho?fbclid=IwAR3HhZsIVgixcjaR9JzBaM3Cw-7cTpH7olRCvbwc_74k6iiLRqIN1fvCLrU