Thành ủy Hà Nội ra chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng chống dịch

31/07/2021 07:02

Kinhte&Xahoi Ngày 30/7, quán triệt tinh thần “Lời kêu gọi toàn dân quyết tâm, đoàn kết hơn nữa để chiến thắng đại dịch Covid-19” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quyết tâm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân tận dụng tối đa “thời gian vàng” 15 ngày giãn cách xã hội, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19". Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

Sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để tập trung phòng, chống dịch Covid-19 theo văn bản chỉ đạo số 177-CV/TU, ngày 23/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố, cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị các cấp đã cơ bản triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của thành phố; Tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn có chuyển biến tích cực, nhưng số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ.

Đường phố Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội

Việc thực hiện Chỉ thị còn có những hạn chế, chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, chưa đúng tinh thần Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng có địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là, chủ quan. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả; Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách... ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Trước tình hình đó, nhằm tận dụng thời gian “vàng” giãn cách, kiểm soát không để dịch lây lan diện rộng trên địa bàn thành phố, ưu tiên tối đa cho việc bảo đảm sức khỏe, đời sống của Nhân dân; quán triệt Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; Với tinh thần xuyên suốt từ thành phố tới cơ sở và từng cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, Nhân dân Thủ đô là phải ưu tiên bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng trước mắt, đồng thời phải bảo vệ bằng được Thủ đô, ngăn chặn và chiến thắng đại dịch Covid-19; Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện nghiêm các nội dung sau:

1. Nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19; xác định rõ đây là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 để bảo vệ an toàn, tính mạng Nhân dân, bảo vệ cuộc sống yên bình và tương lai phát triển của Thủ đô, của đất nước. Toàn hệ thống chính trị xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở cùng vào cuộc một cách thực chất, chủ động, quyết liệt, tập trung cao nhất triển khai đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 177-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.

Phát huy hoạt động của Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng; huy động tối đa sự tham gia của lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn viên thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh… để vừa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vừa giảm tải cho lực lượng chính quy, lực lượng tuyến đầu trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để toàn dân nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện và chủ động tham gia phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện quy định của thành phố, tự bảo vệ mình và bảo vệ an toàn từng cơ quan, đơn vị, gia đình, thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn tới quận, huyện, thị xã và toàn thành phố.

2. Tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; Việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 do cấp ủy các cấp, trực tiếp là Ban Thường vụ cấp ủy, đồng chí Bí thư cấp Ủy chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thành phố về hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình quản lý. Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình, chấn chỉnh toàn diện việc triển khai, tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 177-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố trên địa bàn mình quản lý, bảo đảm thực hiện một cách thực chất, đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ và toàn diện từng nội dung tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thành phố, đặc biệt là tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.

3. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban thường vụ cấp ủy, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/24h và 7 ngày/tuần để kịp thời chỉ đạo giải quyết công việc trong mọi tình huống; gắn quản lý địa bàn với trách nhiệm cá nhân đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ các cấp; bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực; tăng cường các kênh giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và Nhân dân.

Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát chống dịch số 2 Trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

4. Các địa phương, đơn vị chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch bệnh như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ” và thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư tự quản tại một số quận, huyện… để nghiên cứu triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố. Các quận, huyện, thị xã chủ động làm việc cụ thể với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu xây dựng kế hoạch làm việc, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Trung ương, đồng thời phát huy trách nhiệm nêu gương của các cơ quan này với cơ sở. Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp chỉ đạo các lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng Công an, Quân đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh các khu cách ly tập trung của thành phố, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cấp huyện tổ chức, quyết định thành lập các khu cách ly để có thể tiếp nhận ngay công dân F1 tại địa bàn khi có yêu cầu.

Cùng với phòng, chống dịch, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải quan tâm chăm lo đời sống của Nhân dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội; khẩn trương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ và các Nghị quyết của HĐND thành phố, đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất thành phố ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch và người dân, nhất là các đối tượng khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.

5. Các Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1103-QĐ/TU, ngày 4/6/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy; các cấp, các ngành của thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị (từ quận, huyện, thị xã đến tận xã, phường, thị trấn và thôn, làng, tổ dân phố, cơ sở cách ly tập trung,…); giám sát thường xuyên công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trực thuộc và người đứng đầu cấp ủy; coi hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là thước đo uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, làm căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại thi đua... Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình, kỷ luật nghiêm nơi làm chưa tốt; công bố công khai để làm gương.

6. Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố quyết liệt điều hành các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Đảng đoàn HĐND thành phố phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cân đối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; xem xét, quyết định kịp thời các biện pháp hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị, thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện. Trường hợp khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề đột xuất, kịp thời báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để được chỉ đạo giải quyết.

Các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nắm chắc tình hình, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, kiên cường, quyết liệt, năng động, sáng tạo và tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng sẽ vượt qua khó khăn, thách thức để sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ để tổ chức thực hiện.

 Theo TTTĐ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thanh-uy-ha-noi-ra-chi-thi-yeu-cau-thuc-hien-nghiem-cac-bien-phap-cap-bach-phong-chong-dich-172014.html