Thấy gì trong “mùa” đại hội cổ đông của các ngân hàng?

08/04/2024 07:04

Kinhte&Xahoi Thời điểm này đang là "mùa" đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng. Đây là dịp các ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 cũng như những năm tới. Trong đó, những vấn đề như tăng vốn, chia cổ tức cho cổ đông như thế nào được nhiều người quan tâm.

Tại đại hội cổ đông tới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) sẽ trình kế hoạch không chia cổ tức trong vòng 3 năm tới, nhằm xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều kế hoạch tăng vốn

Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) có mục tiêu tăng vốn điều lệ hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2024 thông qua 3 phương án. Đó là: Phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%; phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (số cổ phiếu ESOP và cổ tức bằng cổ phiếu phát sinh từ các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm, mỗi năm được giải tỏa 25%); chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ, với giá không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần thời điểm phát hành nhất.

Đại diện OCB cho biết, nếu triển khai thành công cả 3 phương án, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng.

Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với kế hoạch tăng trưởng khá cao. Theo đó, năm 2024, HDBank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 15.852 tỷ đồng, tăng 21,8% so với năm 2023; tổng tài sản vượt 700.000 tỷ đồng, tăng 16%...

Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 45.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 22.000 tỷ đồng; tổng tài sản dự kiến tăng 12%, lên 805.000 tỷ đồng; huy động vốn (gồm giấy tờ có giá) dự kiến tăng 11%; tín dụng dự kiến tăng 14%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng mà ACB cho là phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp. Cổ tức từ lợi nhuận năm 2023 sẽ chia với tỷ lệ 25%, trong đó, 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Dự báo lợi nhuận tăng 12-15%

Áp lực tăng vốn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn đã khiến các ngân hàng đặt mục tiêu cao nên thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt thì trả bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) ghi nhận nhiều chỉ tiêu kinh doanh không hoàn thành kế hoạch khi lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 513 tỷ đồng trong năm 2023, giảm gần 70% so với năm 2022 và bằng 18,2% kế hoạch. Sau khi chia các quỹ, lợi nhuận còn lại hơn 298 tỷ đồng. Do đó, Hội đồng quản trị ABBank dự kiến trình đại hội cổ đông năm 2024 phương án để lại số tiền này nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại. ABBank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trong năm 2024.

Hay Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) dự kiến tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 17-4 và trình kế hoạch không chia cổ tức trong vòng 3 năm tới, nhằm xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2023 cộng với lợi nhuận các năm trước chuyển sang và thặng dư vốn cổ phần (4.345 tỷ đồng) sẽ được LPBank giữ lại. Năm 2023, LPBank đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 19%, tổng giá trị tính theo mệnh giá gần 3.300 tỷ đồng.

Trong khi có nhiều ngân hàng không có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt thì cũng có một số ngân hàng có tỷ lệ chi trả khá tốt. Trong đó, HDBank có kế hoạch chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%, gồm 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Đáng chú ý, ngân hàng dự kiến trả cổ tức năm 2024 lên đến 30%, bao gồm tiền mặt và cổ phiếu. Như vậy, sau hơn một thập kỷ tăng trưởng cao và liên tục, HDBank luôn thực hiện truyền thống chi trả cổ tức đều đặn hằng năm với tỷ lệ cao. Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) dự kiến chia cổ tức 15% bằng tiền mặt, với tổng giá trị gần 5.284 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, ngành Ngân hàng trong năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề nợ xấu khiến áp lực trích lập lớn; rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi lượng đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ đồng và thị trường bất động sản cần thời gian để giải quyết các vướng mắc về pháp lý. Tuy nhiên, triển vọng của ngành Ngân hàng vẫn được kỳ vọng khi lợi nhuận sau thuế dự báo tăng 12-15% so với mức 3,5% trong năm 2023, dựa trên sự hồi phục từ tăng trưởng tín dụng trong môi trường lãi suất thấp, sức khỏe nền kinh tế tăng trưởng cao hơn năm trước cùng với biên lợi nhuận ròng được cải thiện.

Hà Linh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/thay-gi-trong-mua-dai-hoi-co-dong-cua-cac-ngan-hang-662980.html