Thế giới đang tiến tới bình thường hóa khi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu

08/03/2022 11:23

Kinhte&Xahoi Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch COVID-19 mới và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch. Ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và coi COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Tuy nhiên, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.

Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này công bố kế hoạch quản lý để đối phó với COVID-19 như là bệnh đặc hữu, với mục tiêu là đưa ra sự thay đổi trong 4 tháng tới.

Tỷ lệ tiêm chủng cao và khống chế tốt đại dịch, nhiều nước đang tiễn tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu (Ảnh: Reuters)

Hướng dẫn để tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu của Bộ Y tế Công cộng Thái Lan gồm có ba tiêu chí: Số ca mắc mới theo ngày phải dưới 10.000 ca; Tỷ lệ tử vong không cao hơn 0,1% số người nhập viện vì COVID-19; Hơn 80% người có nguy cơ cao mắc bệnh đã được tiêm ít nhất 2 liều vắc xin.

Theo thống kê, hơn 90% những người bị nhiễm biến thể Omicron tại Thái Lan không có triệu chứng, vì vậy Bộ Y tế nước này có kế hoạch tăng tỷ lệ những người bị cách ly tại nhà từ 60% hiện tại lên 90%.

Khi có nhiều người tham gia chương trình điều trị cách ly tại nhà, các bệnh viện sẽ có nhiều khả năng hơn để chăm sóc các bệnh nhân mắc những bệnh khác.

Bộ Y tế Công cộng Thái Lan cũng sẽ điều chỉnh số ngày chăm sóc đối với những người bị nhiễm và số ngày cách ly những người có nguy cơ cao.

Tại nhiều nước Đông Nam Á khác nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại. Tại Indonesia, dịch vụ cấp visa dịch vụ cấp visa khi đến (visa on arrival - VOA) được nối lại từ ngày 7/3 tại Bali cho du khách từ các quốc gia bao gồm Australia, Mỹ, Hà Lan, Vương quốc Anh... và 9 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Sau khi nhập cảnh vào Bali, du khách được phép di chuyển đến tất cả các tỉnh và thành phố của Indonesia.

Để được cấp VOA, du khách cần đáp ứng một số điều kiện, như hộ chiếu còn hạn tối thiểu 6 tháng, mua vé máy bay khứ hồi hoặc nối chuyển đến một quốc gia khác và đệ trình các giấy chứng nhận y tế theo yêu cầu của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19. Loại thị thực này có giá trị lưu trú tối đa 30 ngày và chỉ được phép gia hạn một lần duy nhất.

Malaysia cũng đã sẵn sàng mở cửa trở lại biên giới, đặc biệt là trong việc tiếp nhận du khách nước ngoài. Trong quá trình nộp hồ sơ nhâp cảnh, du khách phải chứng minh có nơi ở tại Malaysia, có đủ tài chính và hành trình du lịch.

Anh sẽ loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với những người đã được tiêm chủng trước khi đến nước này (Ảnh: AP)

Tại Châu Âu, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và ca nhiễm biến thể Omicron có xu hướng ít chuyển biến nghiêm trọng hơn, hàng loạt quốc gia đang nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.

Bắt đầu từ tuần trước tại Pháp, khi đến những nơi công cộng như viện bảo tàng, rạp chiếu phim hay nhà hàng, quán bar, khách hàng chỉ cần trình chứng nhận tiêm chủng mà không cần phải đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, khẩu trang vẫn bị bắt buộc đối với hành khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu hỏa hoặc máy bay.

Với các trường học nằm trong vùng an toàn hoặc ở các khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh, học sinh có thể bỏ khẩu trang trong giờ ra chơi và tham gia các hoạt động tập thể.

Trường hợp trẻ có tiếp xúc với người bệnh, sẽ chỉ cần tự xét nghiệm một lần sau hai ngày tiếp xúc. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, trẻ có thể đến trường học như bình thường.

Anh và Thụy Sĩ đã thông báo họ sẽ loại bỏ điều kiện xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành đối với khách đã tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, các quốc gia khác rút ngắn thời gian cách ly và nới hạn chế đi lại theo cấp độ dịch.

Tây Ban Nha đang cân nhắc dừng ứng phó với COVID-19 như một cuộc khủng hoảng, mà tiếp cận giống như bệnh cúm hoặc bệnh sởi, tức chấp nhận nguy cơ xuất hiện những đợt bùng phát, nhưng bố trí nguồn lực y tế để chăm sóc người bệnh.

Iceland và Na Uy tháng trước đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19, đồng nghĩa du khách không cần thực hiện các xét nghiệm hay tiêm chủng để nhập cảnh, dù một số quy tắc vẫn được áp dụng ở quần đảo Svalbard của Na Uy.

Chính phủ Bỉ cũng đã quyết định dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế kể từ ngày 7/3, thời điểm kết thúc kỳ nghỉ Xuân. Nước này cũng dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngoại trừ trên các phương tiện giao thông và các cơ sở chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội 1,5m.

 Ngọc Ly - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/the-gioi-dang-tien-toi-binh-thuong-hoa-khi-coi-covid-19-la-benh-dac-huu-191348.html