Cả nước thu hoạch khoảng 6 triệu héc ta lúa
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường, trong tháng 9/2022, các địa phương chủ yếu tập trung thu hoạch lúa mùa, hoa màu vụ Hè - Thu.
Tính đến thời điểm này, cả nước đã thu hoạch khoảng 6 triệu hecta lúa, năng suất bình quân đạt hơn 63 tạ/ha; Sản lượng thu hoạch đạt hơn 40 triệu tấn. Về chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Đàn bò, đàn lợn và gia cầm tiếp tục tăng, bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Ngành nông nghiệp và các địa phương đã quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “mục tiêu kép” là duy trì tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô song song với bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường.
Đến thời điểm này, cả nước đã thu hoạch khoảng 6 triệu hecta lúa, năng suất bình quân đạt hơn 63 tạ/ha
Thời gian gần đây, các mô hình liên kết trồng lúa chất lượng cao xuất hiện ngày càng nhiều, là cơ hội lớn cho ngành hàng xuất khẩu gạo chuyển mình, gây dựng thương hiệu trên trường quốc tế.
Trong 3 tháng cuối năm 2022 - thời điểm quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tăng tốc sản xuất, ổn định nguồn cung cho thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; Sản xuất tập trung theo hướng an toàn, quy mô lớn cho năng suất, chất lượng cao.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần thay đổi cách tiếp cận, thu hút đầu tư để phát triển nền nông nghiệp theo hướng tích cực, hiện đại; Thúc đẩy các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, tích hợp nền nông nghiệp đa giá trị, giúp nông dân làm quen với nền kinh tế tuần hoàn.
Hướng tới các mô hình chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học
Tại Hà Nội, thời điểm này, trà lúa mùa sớm tại một số địa phương cơ bản hoàn thành thu hoạch. Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế thiệt hại, nông dân trên địa bàn thành phố đang khẩn trương xuống đồng thu hoạch diện tích lúa mùa sớm, đạt gần 10.000ha, tập trung ở các huyện, thị xã: Ba Vì, Thanh Oai, Sơn Tây...
Từ nay đến cuối tháng 9, các địa phương dồn lực thu hoạch trà chính vụ, chiếm 90% diện tích. Theo đó, lúa mùa vào giai đoạn chín rộ, nông dân tập trung nhân lực, phương tiện thu hoạch diện tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Vụ mùa 2022, toàn thành phố gieo cấy hơn 74.000ha, trong đó có tới 90% lúa chính vụ, dự kiến năng suất đạt khoảng 60 tạ/ha.
Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, các địa phương chủ động các phương tiện làm đất trên tinh thần "gặt đến đâu làm đất ngay đến đó" để thân, gốc lúa phân hủy nhanh, đất kỹ nhuyễn, giảm sâu bệnh, sẵn sàng gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ.
Thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ, ngành Nông nghiệp Thủ đô phát triển ổn định, diện tích rau đạt gần 23.900ha, tăng 2,3%; Cây ăn quả hơn 19.800ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng đàn lợn của thành phố cũng duy trì gần 1,5 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; Đàn gia cầm 39,7 triệu con; Đàn trâu, bò hơn 163.000 con.
Hà Nội đang hướng tới các mô hình chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao
Hà Nội đang hướng tới các mô hình chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao. Dự báo, từ nay đến cuối năm, chi phí vật tư đầu vào còn ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn như gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây...
Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường, hay xảy ra mưa bão, trong khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.
Do đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh việc tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm; Đồng thời chỉ đạo các huyện, thị xã trồng rải vụ các lứa rau; Chủ động triển khai kế hoạch vụ Đông trên cơ sở có điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng.
Lưu ý 3 tháng cuối năm 2022 là thời điểm quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tăng tốc sản xuất, ổn định nguồn cung cho thị trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung sản xuất theo hướng an toàn, quy mô lớn.
Mặt khác, các tỉnh, thành phố cần thay đổi cách tiếp cận, thu hút đầu tư để có thể xoay chuyển nền nông nghiệp theo hướng tích cực. Thời gian tới, Ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, tích hợp nền nông nghiệp đa giá trị, giúp nông dân làm quen với nền kinh tế tuần hoàn.
Khắc Nam - TTTĐ