Vá víu, che đậy tạm bợ sự cố đê điều tại K46 + 160, đê Hữu Hồng. Ảnh: Ngọc Hải
Sự cố nghiêm trọng
Tuyến đê hữu Hồng qua địa bàn huyện Đan Phượng là đê cấp 1, có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn phòng chống lũ cho huyện cũng TP Hà Nội. Tuyến đê vừa được Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng, nâng cấp đê kè, kết hợp đường giao thông từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980; hoàn thiện và bàn giao cho Hà Nội vào tháng 12/2019.
Tại khu vực trạm bơm Đan Hoài, đoạn K46 +160 đê hữu Hồng hiện có một hạng mục thi công lớn thuộc dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng, do Công ty CP Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư. Đó là Công trình thu - trạm bơm nước thô, với bể chứa lớn nằm ngay sát trạm bơm, dưới chân đoạn đê K46 + 160.
Thông tin từ Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 1, Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 3 - 4 vừa qua, nhà thầu thi công bể chứa đã đào toàn bộ phần đất tiếp giáp với đường hành lang thượng lưu để ép cọc cừ. Chiều sâu chênh lệch mặt đê, đường hành lang so với cao trình đáy hố móng bể chứa nước khoảng từ 20 - 22m. Do bể chứa nước nằm sát cạnh đường hành lang thượng lưu và mặt đê, việc thi công đào móng bể chứa nước đã tạo ra các cung trượt sâu tại mặt đê và đường hành lang, gây nên gãy dọc mặt đê với chiều dài từ 20 - 25m tại khu vực thi công.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho hay, ngày 29/4, đơn vị chức năng của huyện đã phát hiện các vết nứt trên mặt đê hữu Hồng, đoạn đang thi công hạng mục của Nhà máy nước mặt sông Hồng. “Chúng tôi đã báo cáo ngay lên lãnh đạo huyện và UBND TP, đồng thời cử cán bộ giám sát, theo dõi diễn biến hàng ngày. Ban đầu vết nứt chỉ khoảng 1 - 3cm, mỗi ngày lại mở to thêm, đến nay đã nứt từ 10 - 30cm; chỗ sụt lún chênh thấp hơn mặt đường đê từ 10 - 15cm” - ông Nguyễn Viết Đạt nói.
Chuẩn bị hộ đê
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, ngay khi phát hiện sự cố, đã yêu cầu chủ đầu tư dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng ngừng thi công Công trình thu - trạm bơm nước thô tại K46 + 160, đê hữu Hồng. Hiện các cơ quan chức năng của TP và Bộ NN&PTNT đang tìm phương án khắc phục, tạm thời chỉ gia cố chân đê và vá mặt đê.
Trong khi đó, trả lời báo chí trong những ngày qua, đại diện Công ty CP Nước mặt sông Hồng cho rằng, việc lún, nứt đê là do mưa trái mùa và xe quá tải chạy qua thường xuyên, khiến mặt đê mất ổn định. Tuy nhiên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận khẳng định: “Sự cố nứt đê tại vị trí K46 + 160 đê hữu Hồng là do việc đào hố móng của trạm bơm Nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra”. Ông Phạm Đức Luận cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án, các đơn vị liên quan phải cung cấp thông tin khách quan, đúng bản chất sự việc.
Lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 1 thông tin, trong các ngày 29, 30/4, nhà thầu thi công bể chứa nước có xử lý các khe nứt gãy bằng trát vữa, xi măng, nhựa đường, tuy nhiên các khe nứt gãy ngày càng mở rộng. Ban đã kiến nghị Chi cục Phòng chống thiên tai Hà Nội, báo cáo cấp có thẩm quyền, yêu cầu Công ty CP Nước mặt sông Hồng, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế dự án đưa ra giải pháp kỹ thuật để xử lý các cung trượt gây nứt gãy.
Trước mắt, Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu Công ty CP Nước mặt sông Hồng khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý đê điều của Hà Nội, xây dựng phương án hộ đê, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ 2021. Ông Nguyễn Viết Đạt cho biết thêm, đó chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có phương án sửa chữa, xử lý dứt điểm sự cố để đảm bảo an toàn cho tuyến đê xung yếu này.
Ghi nhận thực tế cho thấy, đoạn đường dẫn từ mặt đường đê xuống mép sông đã nứt rời vài chục mét. Phía bên kia thân đê, một số người dân cũng phản ánh đã có hiện tượng lún nứt nhà.
Ngọc Hải - Theo KTĐT