Thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới: Giảm môn thi để bớt áp lực?

09/11/2023 09:09

Kinhte&Xahoi Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo kế hoạch, phương án thi sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào quý IV-2023, nhưng đến thời điểm này, thông tin về kỳ thi vẫn chưa có, khiến học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo lắng. Thời gian từ nay tới kỳ thi không còn dài, hầu hết học sinh đều mong được giảm số môn thi để bớt áp lực.

Một tiết học của học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Quang

Ủng hộ phương án giảm tải

Chuẩn bị cho kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, công bố phương án thi để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Có 3 phương án được đưa ra gồm: 4+2, 3+2 và 2+2. Trong đó, phương án 4+2 tức là học sinh phải thi 6 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử) và 2 môn tự chọn. Phương án 3+2 là học sinh thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn. Phương án 2+2 là học sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn), 2 môn còn lại là tự chọn.

Tính đến đầu tháng 11, dù chưa có thông báo kết quả thống kê chính thức về việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, song theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, phương án 2+2 được các chuyên gia và nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh ủng hộ nhất.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, cá nhân ông cũng tán thành phương án 2+2 nhằm giúp học sinh giảm tải, đồng thời mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án cụ thể để các nhà trường xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức dạy học, ôn tập và phương án hỗ trợ học sinh.

Bà Nguyễn Phương Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) nêu ý kiến: “Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình mới, vì thế cần sớm được biết rõ về phương án thi để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng. Việc giảm số môn thi không chỉ giảm áp lực cho học sinh, mà còn giảm áp lực cho cả gia đình học sinh và bớt tốn kém về chi phí tổ chức. Việc chậm công bố phương án thi có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, khiến phụ huynh học sinh lo lắng hơn”.

Ủng hộ phương án 2+2 và cho rằng đây là phương án phù hợp với mục tiêu giảm tải cả ở phía người học và khâu tổ chức kỳ thi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án thi làm cơ sở để các nhà trường xây dựng lộ trình dạy học, ôn tập phù hợp.

Chủ động chuẩn bị cho kỳ thi

Mối quan tâm lớn của học sinh lớp 11, giáo viên và phụ huynh thời điểm này là sớm có phương án cụ thể của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Mong muốn chung là có một kỳ thi gọn nhẹ, ít số môn bắt buộc để giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng em chỉ phải học một số môn bắt buộc, các môn còn lại được tự chọn. Môn tự chọn thường là các môn được chúng em yêu thích, có sở trường và có trong tổ hợp xét tuyển đại học. Vì vậy, em ủng hộ phương án chỉ thi 2 môn bắt buộc để vừa giảm áp lực về số môn bắt buộc, vừa tạo điều kiện để tập trung cho những môn học mình yêu thích, chuẩn bị thật tốt cho việc chọn ngành sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Chủ động chuẩn bị cho kỳ thi này, các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để tăng tính chủ động của học sinh.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên cho biết, để kịp thời có thông tin về tình hình dạy học cũng như giúp học sinh lớp 11 làm quen với kỳ thi, nhà trường đã tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ theo khối với các môn học bắt buộc. Còn với môn tự chọn, học sinh tham gia kiểm tra đánh giá định kỳ theo lớp. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi, nhà trường sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, khảo sát thường xuyên hơn và trên quy mô toàn khối, qua đó kịp thời có những điều chỉnh trong tổ chức dạy học và hỗ trợ học sinh.

Ngoài ra, nhiều thầy giáo, cô giáo dạy cấp trung học phổ thông nhận định, dù phương án thi nào thì học sinh cũng không nên quá lo lắng, bởi chỉ khác về số môn thi. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay rất nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức xét tuyển sinh viên hệ chính quy thông qua phương thức xét tuyển học bạ cấp trung học phổ thông hoặc sử dụng phương án xét tuyển kết hợp học bạ với dữ liệu khác. Vì vậy, học sinh không được chủ quan mà cần cố gắng học tập đồng đều tất cả các môn để có kết quả đánh giá quá trình học thật tốt, từ đó có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học.

 Thống Nhất - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/thi-tot-nghiep-thpt-theo-chuong-trinh-moi-giam-mon-thi-de-bot-ap-luc-647387.html