Thị trường đồ lễ "ông Công, ông Táo" dồi dào, giá cả phải chăng

24/01/2022 11:43

Kinhte&Xahoi Trước một ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, thị trường đồ lễ, vàng mã tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội khá dồi dào, phong phú về chủng loại, mẫu mã, giá cả hợp lý so với mọi năm. Tuy nhiên, đối với mặt hàng cá chép có giảm nhẹ nhưng sức mua của người dân cũng không nhiều.

Giá cá chép vàng giảm nhẹ

 Theo phong tục cổ truyền của người Việt, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người dân đều chuẩn bị các vật phẩm, gồm cá chép sống, mũ hài, hoa tươi... cùng mâm cơm cúng để đưa tiễn ông Táo về chầu trời. Năm nay, ngày lễ này rơi vào ngày làm việc, tuy nhiên thị trường đồ cúng ông Công, ông Táo những ngày này vẫn sôi động.

Ghi nhận của phóng viên tại chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), trong ngày hôm nay (22 tháng Chạp), lượng người đổ về chợ cá tăng cao so với những hôm trước. Tuy nhiên, giá cả vẫn ở mức trung bình, không có nhiều biến động.

Giáp Tết ông Công ông Táo, lượng người đổ về chợ cá tăng cao so với những hôm trước, tuy nhiên giá cả vẫn ở mức trung bình

Chị Trần Thị Bắc, một tiểu thương tại chợ cá Yên Sở cho biết: Chúng tôi bán cá chép vàng phục vụ người dân mua về cúng ông Công ông Táo từ ngày 19 tháng Chạp, tuy nhiên lượng người mua cá chép năm nay không nhiều như mọi năm. Số xe chuyển cá chép cũng giảm, chỉ đạt 60 - 80% so với năm ngoái.

Hiện tại chợ có hai loại cá chép phổ biến là cá chép đỏ từ Hà Nam có mức giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, trong khi cá chép đỏ đậm nuôi tại Hải Dương có giá trên 200.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại cá chép "cực phẩm" nuôi ở Phú Thọ có giá khoảng 250.000 đồng/kg. Trung bình mỗi cân cá chép loại nhỏ có khoảng 15-20 con, còn giống to thì chỉ 8-15 con.

Theo chia sẻ của các tiểu thương tại chợ cá Yên Sở, giá cá năm nay giảm so với năm ngoái. Cùng kỳ năm 2021, giá cá trung bình 230.000 - 250.000 đồng/kg, sau đó các tiểu thương sẽ phân phối, bán lẻ với giá 300.000 đồng/kg. Những mẻ cá lớn và đẹp có thể đội giá lên tới 350.000 đồng/kg. Đỉnh điểm vào ngày ông Công ông Táo, mẻ cá đẹp mã nhất "cán mốc" 400.000 đồng/kg.

Chị Vũ Thị Hiên, tiểu thương trong chợ cá Yên Sở, cho biết: "Năm nay, các loại cá chép đều có mẫu mã đẹp nhưng sức mua chỉ bằng 50% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần khác là nhiều người đến cận ngày ông Công ông Táo mới mua cá, hoặc chuẩn bị cúng mới ra ngoài mua. Tuy nhiên, đây là giá cá hôm nay, mai có thể sẽ tăng vì nhiều người mua hơn, năm nào cũng vậy".

Người dân sắm lễ cúng ông Công ông Táo

Theo đánh giá của nhiều tiểu thương, sức mua của người dân giảm so với năm ngoái dù nguồn hàng đang khá dồi dào. "Lượng khách đến mua khá thưa thớt. Cá ở chợ Yên Sở đa phần đều bán cho khách buôn, chúng tôi không bán riêng từng con. Sau đó, người mua sẽ mang về tách set, thường là mỗi set 3 con để bán ở chợ dân sinh", một tiểu thương cho hay.

Nhanh tay lựa những con cá to, khỏe, đẹp nhất trong chậu để đem về thả vào bể cá cảnh, anh Trần Đăng Huy (ở Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nào vào dịp này tôi cũng ra chợ cá để mua cá chép vàng về thả. Năm nay cá có phần đẹp và đều hơn so với mọi năm, tuy nhiên sức mua vẫn còn ít. Theo quan sát của tôi, lượng khách đến mua cá tại chợ về để bán khá thưa thớt, chắc trong ngày hôm nay và sáng mai (23 tháng Chạp) sức mua sẽ tăng cao hơn nữa".

Thị trường đồ lễ đa dạng, giá cả phải chăng

 Bên cạnh các mặt hàng trang trí Tết, các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống quen thuộc như: Bộ mũ hài, cá chép, hương, nến… Tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Hôm, chợ Kim Liên, Phố Hàng mã, Hàng Bồ, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo hiện được bày bán khá đa dạng như bộ Táo quân, thần linh, cá chép giấy, quần áo, tiền vàng…

Các mặt hàng trang trí Tết, các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng

Theo ghi nhận của phóng viên và phản ánh của người dân, tiểu thương, năm nay, giá cả các đồ hàng mã không có nhiều biến động so với các năm cũng như ngày thường. Cụ thể, giá một bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo dao động từ 20.000 - 150.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ; Quần áo từ 10.000 - 25.000 đồng/bộ…

Ngoài đồ vàng mã, giá các loại hoa cũng ở mức "dễ chịu", không tăng đột biến. Cụ thể, hoa cúc có giá 7.000 - 8.000 đồng/bông, tùy loại; Hoa hồng giá 6.000 đồng/bông, hoa lay ơn 60.000 - 100.000 đồng/chục. Tuy nhiên, theo nhận định của một số tiểu thương, giá hoa có thể tăng nhẹ vào đúng ngày 23.

Cùng với đó, các loại thực phẩm, trái cây, hoa tươi, trầu cau cũng được nhiều người dân chọn mua. Chị Thu Phương, nhân viên bán hàng tại cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm (phố Quán Thánh, quận Ba Đình) cho biết, giá các mặt hàng không tăng, trong đó giá một số loại trái cây còn đang giảm. Cụ thể, các loại trái cây an toàn trồng theo phương pháp VietGAP như xoài Cát Chu có giá 85.000 đồng/kg, nho Sơn La 389.000 đồng/kg, chuối ngự Đại Hoàng 49.000 đồng/nải…

Tuy lượng người tới chợ mua sắm tăng lên, song hầu hết đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định

Trong khi đó, tại các chợ, giá các mặt hàng trái cây tăng khoảng 5-10% như cam Canh có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 30.000-50.000 đồng/kg, bưởi phật thủ từ 35.000 đồng đến trên 100.000 đồng mỗi quả tùy loại…

Tuy lượng người tới chợ mua sắm tăng lên, song ghi nhận trong sáng nay, hầu hết người kinh doanh và người dân đến mua sắm đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Thanh Tùng - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thi-truong-do-le-ong-cong-ong-tao-doi-dao-gia-ca-phai-chang-188687.html