Thiếu hụt lao động - Tình trạng báo động tại Thành phố Hồ Chí Minh

28/09/2021 09:20

Kinhte&Xahoi Trong chương trình “Tạp chí Kinh tế và Tiêu dùng” phát sóng trên kênh VTC1, ngày 26/9, có đề cập tới tình trạng thiếu hụt lao động tại nhiều tỉnh thành phía Nam. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương thiếu hụt lao động căng thẳng nhất, ước tính khoảng 625 nghìn người và còn đang tiếp tục tăng lên.

Để bắt đầu lại quá trình sản xuất an toàn, người dân lao động đi làm phải có thẻ xanh (tức là đã tiêm ngừa Covid-19), doanh nghiệp tái khởi động ngoài các yêu cầu phương án sản xuất an toàn còn phải có 100% công nhân có thẻ xanh. Đây là một đòi hỏi khó vì nhiều người đến nay vẫn thì vẫn chưa biết đến bao giờ mới được tiêm mũi một.

Trước đó, phải thực hiện phương án sản xuất ba tại chỗ quá lâu với hàng loạt khó khăn nên nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã không giữ chân được người lao động dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân công để có thể tăng công suất hoạt động khi đang bước vào cao điểm sản xuất hàng hóa, thực phẩm trong mùa Tết.

Với ngành gỗ, các doanh nghiệp ở miền Nam như đang ngồi trên đống lửa khi nhiều nhà máy nhận được đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 năm 2022 nhưng lại không có đủ lao động sản xuất. Số lượng công nhân chỉ bằng 1/4 so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội, để đảm bảo tiến độ giao hàng ngành đã phải tuyển mới nhiều lao động.

Việc tiêm vaccine được xem là điều kiện tiên quyết để người lao động được cấp thẻ xanh tham gia sản xuất, nhưng cho tới lúc này việc tiêm vaccine vẫn đạt tỷ lệ thấp ở nhiều ngành nghề, như với ngành thủy sản vốn sử dụng rất nhiều lao động hiện tỷ lệ tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản từ Nam Trung bộ vào đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ đạt trung bình từ 30 - 35% trong mũi một, tỷ lệ tiêm mũi hai dưới 5%.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 820 nhà máy dừng hoạt động, gần 245 nghìn công nhân phải tạm nghỉ việc, số khác đang thực hiện phương án vừa sản xuất vừa cách ly nhưng hầu hết gặp khó khăn. Phương án sản xuất bốn xanh đã được đưa ra tức là đảm bảo phòng dịch cho lao động, nơi ở, làm việc và di chuyển, nhưng cho đến lúc này việc triển khai thí điểm ở một số doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận quận 7 cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, ít nhất 20 nghìn lao động làm việc trong các khu công nghiệp rời thành phố về quê và chưa thể trở lại trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp. Hàng chục nghìn công nhân làm việc ở các khu công nghiệp và chế xuất ở thành phố nhưng sống ở các khu vực giáp ranh như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, do đó, khi Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa, nhóm nhân công này cũng sẽ rất khó đảm bảo điều kiện quay trở lại nhà máy vì chưa tiêm đủ số mũi vaccine.

Chương trình “Tạp chí Kinh tế và Tiêu dùng” cùng với sự đồng hành của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã mang lại những thông tin về kinh tế, tài chính, thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế. Mời quý vị và các bạn tiếp tục đón xem chương trình phát sóng vào 13h00 chủ Nhật hàng tuần trên kênh VTC1 

 PV- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thieu-hut-lao-dong-tinh-trang-bao-dong-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-178783.html