Thông qua 12 mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố

08/12/2021 16:23

Kinhte&Xahoi Chiều 8/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.

Quang cảnh ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ ba HĐND TP khóa XVI

Theo đó, quyết nghị quy định các nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND TP, cụ thể: Chế độ hỗ trợ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và công chức phường nghỉ công tác do thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.


Quy định mức hỗ trợ thường xuyên đối với các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội.

Chính sách hỗ trợ hằng tháng cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiếu số.

Quyết nghị sửa đổi, bổ sung Phụ lục 06 ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 quy định nội dung, mức chi đối với công tác tổ chức thi tuyển (xét tuyển) công chức, viên chức; Thi (xét) nâng ngạch (thăng hạng) công chức, viên chức của TP Hà Nội.

Quy định về mức chi thực hiện chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội.

Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách TP thực hiện đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; Đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới.

Quy định nội dung chi, mức chi chuẩn bị, tổ chức các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông của TP Hà Nội.

Quy định nội dung, mức chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông của TP Hà Nội.

Quy định mức chi hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.

Quy định nội dung chi, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Quy định mức chi đối với các giải thi đấu thể thao do TP Hà Nội tổ chức.

Nội dung chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều, hệ thống đê điều do TP Hà Nội quản lý.

HĐND TP giao UBND TP tổ chức thực hiện Nghị quyết; Giao Thường trực, các Ban, tổ đại biểu và các đại biểu HĐND TP giám sát thực hiện Nghị quyết; Đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp TP tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và bãi bỏ Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 12/2008/NQ-HĐND ngày 9/12/2008 của HĐND TP về hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Ủy ban MTTQ, Ban Thanh tra Nhân dân và các tổ chức, đoàn thể tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.

Trước đó, trình bày Tờ trình của UBND TP về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho hay: Nguyên tắc chung xây dựng nội dung, mức chi là: Các cơ chế, nội dung, mức chi phù hợp yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách các cấp; Các cơ chế, nội dung, mức chi được ban hành đúng thẩm quyền theo quy định. Tổng kinh phí thực hiện hằng năm cho 12 nội dung, mức chi này là hơn 775 tỷ đồng.

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐND ngày 5/7/2018 của HĐND TP Hà Nội quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Theo nghị quyết, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quyết định thanh lý tài sản công là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp; Các tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch và các tài sản khác (trừ xe ô tô) có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã quản lý.

Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công quyết định thanh lý tài sản công khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng /đơn vị tài sản. Riêng Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định thanh lý tài sản công khác.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thong-qua-12-muc-chi-dac-thu-thuoc-tham-quyen-cua-hdnd-thanh-pho-185060.html