Thu hồi Cảng Quy Nhơn: Chưa chốt được vì giá “trên trời”?

10/04/2019 14:51

Kinhte&Xahoi Phía doanh nghiệp đang nắm quyền khai thác cảng liệt kê một loạt khoản mục với tổng trị giá gần 800 tỷ đồng mà Vinalines phải “chồng” đủ nếu lấy lại cảng này. Bên có trách nhiệm thu hồi không chịu, nói con số đó vô lý và trái với tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ

Nếu Cty Hợp Thành chắc giá 751 tỷ đồng, Vinalines sẽ đàm phán như thế nào?

Bốn năm đòi thêm hơn 300 tỷ 

Trong quá trình cổ phần hóa (CPH) Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) năm 2014, cảng Quy Nhơn được chuyển nhượng cho Công ty CP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành (Cty Hợp Thành) với giá 415 tỷ đồng, tương đương 75,01% cổ phần. Tuy nhiên sau đó, Thanh tra Chính phủ kết luận việc chuyển nhượng này sai, buộc Vinalines phải thu hồi lại cảng Quy Nhơn.

Ngày 8/3/2019, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng dẫn Vinalines khẩn trương thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần đã chuyển nhượng cho Cty Hợp Thành theo kết luận thanh tra.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã nhiều lần chủ trì làm việc giữa Vinalines và Cty Hợp Thành nhằm thống nhất phương án thu hồi cảng Quy Nhơn, thực hiện kết luận thanh tra. Tại những buổi làm việc này, Cty Hợp Thành đã đề xuất phương án nếu muốn thu hồi lại cảng Quy Nhơn thì Vinalines phải thanh toán số tiền khoảng 751 tỷ đồng cho doanh nghiệp này.

Như vậy, với đề xuất trên, sau hơn 4 năm bán cảng Quy Nhơn cho Hợp Thành, Vinalines sẽ phải bỏ thêm 336 tỷ đồng để lấy lại cảng này. Theo đó, Hợp Thành đã đưa ra bốn lí do để chứng minh cho đề xuất này là hợp lý. Thứ nhất, giá trị gốc Hợp Thành đã thanh toán cho Vinalines khi mua 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn (415 tỷ đồng); thứ hai, giá trị của cảng Quy Nhơn tăng lên từ khi Hợp Thành tham gia quản lý, điều hành (336 tỷ đồng); thứ ba, chi phí cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp cùng ngành cảng biển (78,4 tỷ đồng) và cuối cùng là giá trị đầu tư công sức, chất xám, trí tuệ trong giai đoạn quản lý, điều hành để nâng cao năng suất, doanh thu, lợi nhuận cho Cảng Quy Nhơn cùng mức tổn thất của nhà đầu tư trong lợi nhuận kế hoạch tương lai đã xác định trong phương án kinh doanh mất đi khi thực hiện thoái 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn (26,5 tỷ đồng). 

Như vậy, theo tính toán của Cty Hợp Thành, với việc “bán lại” 75,01% cho Vinalines với giá 751 tỷ đồng là còn rẻ? Trong khi đại diện Vinalines cho rằng, những đòi hỏi của Cty Hợp Thành là vô lý và đã kê khống giá trị cảng này lên mức cao?

Bộ GTVT, “siêu” Ủy ban đang… “đau đầu”

Cũng theo Vinalines, từ khi tham gia quản lý, điều hành Cảng Quy Nhơn, Cty Hợp Thành chưa đầu tư thêm vốn và tài sản vào cảng; vốn điều lệ doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên là 404,09 tỷ đồng như thời điểm CPH cảng và thời điểm chuyển nhượng số cổ phần trên.

Vinalines cho rằng, tài sản của Cảng Quy Nhơn gia tăng từ nguồn lực tài chính của cảng và nguồn vốn vay thương mại. Trong khi, phương án đề xuất giá của Cty Hợp Thành bao gồm cả tài sản được cảng Quy Nhơn đầu tư, mua sắm trong giai đoạn 2014-2018, điều này không đúng theo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 88/TB-VPCP. 

Trao đổi với PLVN, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vinalines cho biết, 751 tỷ đồng mới chỉ là con số do Cty Hợp Thành đề xuất. “Đề xuất mức này là cao!”, ông Tuấn nói và cho biết, cả Vinalines và Hợp Thành sẽ tiếp tục đàm phán để có tiếng nói chung, cố gắng đạt mức giá hợp lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Với câu hỏi nếu Hợp Thành không chịu đàm phán, nhất quyết “hô” giá cao như đã công bố thì Vinalines sẽ xử lý như thế nào? Phó Tổng Giám đốc Phạm Anh Tuấn nói đang có kiến nghị lên Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như các cơ quan liên quan tìm hướng xử lý. “Quan điểm của chúng tôi là việc thu hồi lại Cảng Quy Nhơn phải có mức giá hợp lý”, đại diện Vinalines nói.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đàm phán kéo dài, Vinalines sẽ là phía chịu thiệt. “Việc tiếp tục kéo dài thời gian đàm phán có thể dẫn đến rất nhiều bất lợi khi Vinalines chính thức tiếp nhận 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn mà không thể lường trước được. Nhà đầu tư có thể tạm ứng lợi tức năm 2019 ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động của Cảng Quy Nhơn giai đoạn tiếp theo, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Cảng Quy Nhơn”, ông Tuấn nói thêm.

Có bồi thường cho Cty Hợp Thành hay không?

Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng 3/2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cuối tháng 2/2019, Bộ đã có văn bản hủy bỏ hai văn bản do chính Bộ này ban hành liên quan đến chuyển nhượng cổ phần Cảng Quy Nhơn. Theo đó, Bộ GTVT đã giao Vinalines làm việc với Cty Hợp Thành, thống nhất nguyên tắc thu lại 75,01% cổ phần đã bán (tương đương 30.312.262 cổ phiếu). Còn vấn đề có phải bồi thường cho nhà đầu tư khi Vinalines rút lại số cổ phần này hay không, Thứ trưởng Đông khẳng định, Vinalines đang tiếp tục làm việc với Cty Hợp Thành.

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…