Thủ tướng Chính phủ: Đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần '3 không và 5 thật'

27/09/2021 07:00

Kinhte&Xahoi Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần “3 không và 5 thật”: không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm và nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật...

Ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp cùng các địa phương bàn về những giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra những nhận định chung về việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ kiến nghị, đề xuất với các địa phương.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã tổng hợp đề xuất kiến nghị mang tính chất dài hơi, chiến lược nhằm duy trì và phục hồi sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông cho biết cộng đồng doanh nghiệp đề xuất 2 chủ trương mới. Một là nhìn nhận doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.

Hai là kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.

Cùng với đó, VCCI cũng đề nghị xem xét đổi tên các “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19” thành “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế”. Trong cơ cấu Ban Chỉ đạo cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Đánh giá cao những chính sách được Thủ tướng và Chính phủ ban hành, nhất là Nghị quyết 105 mới đây, Chủ tịch VCCI còn đề nghị ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”...

Kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa ghi nhận, bày tỏ cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã sát cánh, chia sẻ, đóng góp, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống dịch COVID-19 và nỗ lực duy trì, phát triển kinh tế - xã hội nói riêng, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung.

Trong phòng, chống dịch COVID-19, khi có dịch, các địa phương thực hiện theo hướng phong tỏa hẹp nhất có thể; phòng, chống dịch dựa trên 4 trụ cột là cách ly, xét nghiệm, điều trị và ý thức của nhân dân. Với phương châm doanh nghiệp, doanh nhân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, theo Thủ tướng, Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân, gần doanh nghiệp hơn, để doanh nghiệp đến với chính quyền nhanh hơn.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đóng góp ý kiến cùng Chính phủ thực hiện đột phá về thể chế; tham gia nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện, tăng năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; tái cấu trúc lại doanh nghiệp; tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược.

Theo Thủ tướng, các đại biểu dự Hội nghị đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ là chuyển trạng thái từ “không CCOVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” và Chính phủ đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn tạm thời để thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên, do chính sách có phạm vi rộng lớn, song lại khoanh hẹp đến tận phường, xã, thị trấn, thậm chí đến tổ dân phố, ấp, bản, thôn và tác động tới toàn bộ các đối tượng là nhân dân, doanh nghiệp… nên phải có bước đi thận trọng, chắc chắn, rõ đến đâu làm đến đó, vừa làm vừa bổ sung, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm rồi hoàn thiện dần.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu do Thủ tướng chủ trì.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần “3 không và 5 thật”. “3 không” là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”.

Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.

Kêu gọi sự chung tay, đoàn kết, thống nhất, chia sẻ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân như lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp.

Đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm “lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ”...

Theo Báo cáo khảo sát của VCCI về Nghị quyết 105/NQ-CP: 91,5% doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105; 81% doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã hiệu quả.

Tuy nhiên, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.  

 Song Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-chinh-phu-dong-hanh-voi-doanh-nghiep-tren-tinh-than-3-khong-va-5-that-d167242.html