Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân

21/08/2022 14:51

Kinhte&Xahoi Sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững".

Ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập

 Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sức khoẻ toàn dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu phát biểu tại hội nghị này.

Theo Thủ tướng thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư khác nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về chăm sóc sức khỏe Nhân dân

"Tất cả những cảm xúc đó, chúng ta được thấy trong các báo cáo, tham luận và phát biểu đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí tại hội nghị hôm nay. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của ngành Y", Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị.

Hơn hai năm qua, chính những hy sinh, vất vả, nhọc nhằn của ngành Y tế đã góp phần quan trọng để chúng ta kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phục hồi và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng đang ở mức cao. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển.

An sinh xã hội được quan tâm; Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Quốc phòng, an ninh được giữ vững; Đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Trong những thành tựu chung đó có sự đóng góp không nhỏ của Ngành Y tế. Sự cống hiến đó được minh chứng bằng những kết quả cụ thể như: Triển khai đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19 trên toàn quốc, nhất là thực hiện thành công chiến lược vắc xin (xây dựng Quỹ Vắc xin, tiến hành ngoại giao vắc xin, phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân).

Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh, tham mưu Chính phủ ban hành và trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực y tế, các nghị quyết phục vụ công tác phòng chống dịch.

Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được duy trì. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh; Hoàn thành đồng bộ dữ liệu hơn 92 triệu mũi tiêm phòng COVID-19 với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước công dân phục vụ người dân khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập: Hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh (như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư…).

Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.

Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế...

Với mục tiêu nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng, Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên y tế trên toàn quốc tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.

11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới của ngành Y tế

 Thủ tướng nhấn mạnh: "Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, tôi cơ bản nhất trí với báo cáo và nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp; ý kiến của đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lưu ý thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; Triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Các địa phương chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại; Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vắc xin, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả; Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; Thực hiện nghiêm 2K+ vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Thứ hai, Bộ Y tế, trực tiếp là đồng chí Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế và tổ chức Đảng toàn ngành Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh; Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên; Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; Tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp; Khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".

Các đồng chí lãnh đạo Bộ phải thực sự là những tấm gương sáng về mọi mặt, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác.

Thứ ba, khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này.

Trước mắt, tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII vào cuối năm 2022; Bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; Phải mạnh dạn làm, cần thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới và các cơ sở y tế, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Bộ Y tế tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước; Nghiên cứu nhanh, từng bước giao một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho địa phương quản lý.

Thứ tư, quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế; Tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời quan điểm "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" như Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành Y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; Các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; Các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; Chính sách về công nhận liệt sỹ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.

Các Bộ, ngành, trước hết là Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ai có thành tích, hiệu quả tốt, mang lại sức khỏe, hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân thì chúng ta phải khen thưởng, ai vi phạm thì phải xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thứ năm, quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân. Các địa phương phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế qua thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý.

Thứ sáu, khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.

Bộ Y tế Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; Tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ BHYT gắn với giảm chi tiền túi của người dân (nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi (OOP) cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, theo số liêu báo cáo là trên 40%).

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước; Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế (khám chữa bệnh từ xa, thực hiện các thủ tục trên môi trường mạng, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đơn thuốc điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, làm sạch dữ liệu tiêm chủng…).

Cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế phải thực chất, hiệu quả, tránh "thùng rỗng kêu to", nếu thực chất, hiệu quả thì Nhân dân sẽ cảm nhận được hết vì thủ tục y tế liên quan tới mọi người và nếu không thực chất, không hiệu quả thì Nhân dân cũng đánh giá được ngay.

Thứ tám, trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, nòng cốt là ngành Y tế nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.

Các Bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; Đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế.

Thứ chín, đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân; Chủ động tuyên truyền theo tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; Khẳng định sự nỗ lực, thành quả rất cơ bản của ngành Y, của đội ngũ cán bộ y tế, củng cố hình ảnh "thầy thuốc như mẹ hiền".

Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền, nhất là tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch.

Thứ mười, tận dụng lợi thế của nước ta về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vắc xin trong nước.

Mười một, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm, quản lý, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược…".

Sau nghi nghe nhiều kiến nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn, hết sức trách nhiệm của các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế tổng hợp, phân loại, nghiên cứu giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-ve-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-204007.html