Thủ tướng: Chưa thể mở cửa ngay cho khách du lịch
Kinhte&Xahoi
Đó là thông tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói trong cuộc gặp mặt một số thành viên thường trực, tiêu biểu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam (YPO Việt Nam), diễn ra tại Hà Nội vào chiều 16/7.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, kiểm soát được tình hình, 3 tháng qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Thắng lợi quan trọng nhất là thắng lợi về niềm tin của nhân dân trong nước và quốc tế đối với Việt Nam.
Trong thời điểm hiện nay, chúng ta tiếp tục chỉ đạo các biện pháp nhân văn, tổ chức các chuyến bay đón bà con ở nước ngoài về nước, trong đó có các công nhân bị nhiễm COVID19 từ Guinea Xích đạo. Trong quá trình chống dịch, chúng ta đã thực hiện mục tiêu kép, không để đứt gãy nền kinh tế.
“Cuộc gặp hôm nay của chúng tôi với các bạn chính là muốn mong mỏi các bạn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới và khu vực, nhất là 19 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam chưa thoát ra dịch bệnh”, Thủ tướng nói. “Một câu hỏi lớn là làm sao giữ được, không để đổ gãy nền kinh tế, làm sao hệ thống doanh nghiệp Việt Nam phát triển được. Biện pháp nào, sáng kiến nào, đóng góp nào của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế Việt Nam trong việc phát triển ấy”.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp trình bày các nhóm sáng kiến, giải pháp, đóng góp xung quanh các mục tiêu và ưu tiên của Chính phủ, trong đó có các giải pháp, cơ chế thu hút và dịch chuyển hiệu quả dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới, giải pháp tái cấu trúc ngành du lịch và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19, chuyển đổi số để Việt Nam thay đổi vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội đón dòng vốn đầu tư mới và để làm điều đó, cần chuẩn bị về đất đai, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp khi mà hiện nay nhiều khu công nghiệp đã hết diện tích đất.
Một số ý kiến cho rằng, cần giảm lãi suất cho vay, cần quan tâm, tạo thuận lợi cho về thị thực nhập cảnh (visa) cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc hay có chính sách visa riêng cho nhân lực trình độ cao. Đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch thì mong muốn ngành điện tiếp tục giảm giá điện bởi tiền điện chiếm đến 20% tổng chi phí của khách sạn. Có doanh nghiệp đề nghị có chính sách mạnh mẽ tạo môi trường công bằng, lành mạnh cho thương mại điện tử; có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp chuyển đổi số.
Ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan tiếp thu, tổng hợp.
Thủ tướng khẳng định tinh thần không để làn sóng COVID-19 thứ 2 quay lại Việt Nam, làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Đồng thời, không để đổ gãy nền kinh tế, đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể. “Đây là 2 mặt của một vấn đề, quan điểm này cần vững vàng, chứ không thể nói vào Việt Nam mà không cách ly một cách phù hợp được”.
Về bài toán thu hút, dịch chuyển hiệu quả dòng vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới, Thủ tướng nêu rõ, đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm, ưu tiên. “Để giải quyết vấn đề đó, tôi lắng nghe ý kiến quý vị nói là hạ tầng, kết nối, đất đai, thủ tục nhanh… Như anh Nguyễn Mạnh Hùng vừa nêu, sắp tới 100% dịch vụ hành chính công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ thúc đẩy vấn đề này”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đứng trên đôi chân của mình trong một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời cũng phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có thu hút FDI.
Đối với vấn đề giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng được dòng đầu tư quốc tế, tham gia hiệu quả chuỗi giá trị, Thủ tướng khẳng định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng trong phát triển. Thủ tướng ghi nhận ý kiến về tạo thuận lợi trong chính sách visa đối với nhà đầu tư, chuyên gia vào Việt Nam.
Về các giải pháp tái cấu trúc ngành du lịch và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19, Thủ tướng cho biết, đã giao cho các bộ, ngành liên quan xử lý nhưng trong lúc này chưa thể mở cửa ngay cho khách du lịch.
Về các giải pháp chiến lược chuyển đổi số nhằm giúp Việt Nam thay đổi vị thế trong khu vực và trên thế giới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã có chương trình quốc gia về chuyển đổi số và mong muốn các doanh nghiệp có mặt hôm nay tổ chức thực hiện ngay việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp mình.
Ban IV gồm các đại diện của khu vực tư nhân Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thành lập từ cuối năm 2017. Sau hơn hai năm rưỡi ra đời và hoạt động, đến nay Ban IV đã tham mưu và góp phần triển khai hiệu quả nhiều mảng việc của Hội đồng, đặc biệt trong việc đánh giá hiện trạng và đề xuất cơ chế, chính sách đối với các ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia (nông nghiệp, du lịch, kinh tế số...) và vận hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF), kênh đối thoại công tư đang rất được cộng đồng DN ghi nhận hiện nay.
YPO được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1950 và hiện là tổ chức phi lợi nhuận có mạng lưới toàn cầu lớn nhất thế giới với hơn 27.000 thành viên gồm các giảm đốc điều hành trẻ được lựa chọn theo cùng các tiêu chí khắt khe từ hơn 130 quốc gia, có chung sứ mệnh là trở thành các nhà lãnh đạo xuất sắc hơn thông qua giáo dục và trao đổi ý tưởng. Các công ty được lãnh đạo bởi các thành viên YPO sử dụng hơn 15 triệu lao động trên toàn thế giới và tạo ra doanh thu hàng năm ở mức 9.000 tỷ USD.
Tại Việt Nam, YPO được thành lập từ năm 1996, đến nay đã có 57 thành viên, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM; thành viên của YPO là các doanh nhân thành đạt đang điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. |
Theo Báo Chính phủ