Thuốc lá điện tử có khoảng 16.000 hương vị độc đáo
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, hiện nay, TLĐT đang dần phổ biến và được các bạn trẻ thường xuyên sử dụng. Hầu hết các bạn trẻ nhầm tưởng rằng việc sử dụng TLĐT sẽ giảm bớt ảnh hưởng tới sức khỏe so với thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng TLĐT ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Dù TLĐT mới ra đời khoảng 10 năm trở lại đây nhưng rất nhiều nghiên cứu cho thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là hô hấp và tim mạch.
Theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020: Tỷ lệ hiện đang sử dụng TLĐT ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Một mẫu thuốc lá điện tử pha trộn ma túy được xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Huyền.
TLĐT chứa nhiều chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Theo đó, trong TLĐT chứa thành phần nicotine là một chất gây nghiện cao, tương tự ma tuý. Chất nicotine có trong TLĐT có nguồn gốc từ chiết xuất từ thuốc lá hoặc nicotine tổng hợp nhân tạo.
Hàm lượng nicotine của TLĐT có thể dao động từ 0 mg/ml đến hơn 66 mg/ml (ít nhất gấp đôi hàm lượng nicotine trong một điếu thuốc lá tiêu chuẩn). Kìm hãm sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng nhớ, tập trung chú ý và học tập, đặc biệt tác động đối với trẻ em, do não bộ của con người phát triển từ khi sinh ra cho đến khi 25 tuổi.
Trong TLĐT có chứa Propylene glycol (PG) and glycerol, các hợp chất này là chất mang nicotine và một số hương liệu. Tỷ lệ của 2 hợp chất này thường quyết định trải nghiệm với TLĐT vì chúng có thể ảnh hưởng đến độ êm, và khói (đám mây) được tạo ra trong quá trình sử dụng. Bụi mịn và siêu mịn ở trong khói thuốc có thể vào rất sâu gây tổn thương phổi.
Hương vị trong TLĐT có khoảng 16.000 hương vị độc đáo có sẵn ở trên thị trường, nhiều loại trong số đó hấp dẫn trẻ em. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của nicotine và đóng vai trò trong quyết định sử dụng TLĐT lần đầu của người dùng. Hương vị làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn, do đó, thay đổi nhận thức liên quan đến việc sử dụng.
Nhiều hệ lụy
Ở lứa tuổi thanh thiếu niên khi hút thuốc lá điện tử sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, gặp phải các căn bệnh nguy hiểm, gây nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và tương lai sau này. Một số bệnh lý có thể mắc phải như: bệnh lý đường hô hấp như viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, bệnh viêm phổi lipid, tràn khí màng phổi nguyên phát, suy giảm chức năng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…
Bệnh lý tim mạch, một số hóa chất độc hại như nicotine, carbon monoxide trong khói thuốc lá điện tử làm làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ. Một số hợp chất có trong khói thuốc lá điện tử như: formaldehyd, acrolein, toluene, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào dẫn đến ung thư.
Ngoài ra, có thể gặp phải chấn thương do cháy nổ thiết bị điện tử, các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và gây nổ gây ra các chấn thương, bỏng nghiêm trọng (miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm).
Khói từ thuốc lá điện tử cũng gây hại cho sức khỏe của những người xung quanh. Khi hít phải các chất độc hại như aldehydes, carbon monoxide... trong khói của thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc ung thư và tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ.
Để phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử đối với thanh thiếu niên, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền cho trẻ biết về các tác hại của thuốc lá điện tử.
Giáo dục trẻ ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường về việc nghiêm cấm mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá đối với học sinh. Rèn luyện các kỹ năng sống cho trẻ như kỹ năng chăm sóc sức khỏe, tránh xa những chất độc hại, không có lợi cho sức khỏe; kỹ năng từ chối trước những cám dỗ; kỹ năng chia sẻ;....
Từ đầu tháng 11/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cũng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo các quận, huyện trên địa bàn TP, tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống tác hại của thuốc lá cho giáo viên các trường học trên bàn.
Cho đến nay, đã tổ chức được 29 lớp nhằm cung cấp thêm kiến thức cho giáo viên trong các trường học, chủ động trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, TLĐT.
Hoa Tiên - Pháp luật Plus