Tiến tới giảm thời gian đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 10 năm

27/10/2021 19:59

Kinhte&Xahoi Cuối giờ chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có phát biểu báo cáo, tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề về tình hình thực hiện chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Lao đông- Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay Quỹ BHXH đã thực sự trở thành một quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước có quy mô lớn nhất bên cạnh ngân sách Nhà nước.

Quy mô quỹ thời gian qua có một bước phát triển rất nhanh. Nếu năm 1998 là năm đầu chúng ta kết dư mới có 7.500 tỷ thì đến hết năm 2020, quy mô đầu tư quỹ đã tăng gấp 120 lần, tức là kết dư hiện nay gần 1 triệu tỷ và tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau thì cao hơn năm trước là 20%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 5 nghị quyết và các quyết định liên quan. Trong đó có nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư các quỹ BHXH với tổng mức hỗ trợ trên 50.000 tỷ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, BHXH đến nay thực sự đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, đã góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia lao động.

Bộ trưởng Dung cho biết, cuối tháng 10 này, phiên họp Chính phủ sẽ bàn về nội dung Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Thể chế hóa Nghị quyết 28, Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm; Tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như đại biểu nêu, như phát triển hệ thống xã hội đa tầng, sửa đổi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm và phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng đóng - hưởng công bằng, bình đẳng và phát triển bền vững.

Đồng thời, điều chỉnh hưởng chính sách một lần, phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức, đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.

Trước mắt chú trọng vào đổi mới công tác tuyên truyền để lao động khi mới bước vào thị trường hiểu, đồng tình và chủ động tham gia, dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động, như kinh nghiệm các nước quốc gia phát triển thực hiện.

Cùng với đó, sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động; Nghiên cứu, điều chỉnh, phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động, xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và cuối cùng là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo.

Đổi mới khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất Quốc hội tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc triển khai chính sách; Giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng kết dư của các Quỹ BHXH ngắn hạn để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch và các yếu tố rủi ro...

 Huy Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tien-toi-giam-thoi-gian-dong-bao-hiem-xa-hoi-toi-thieu-xuong-10-nam-181419.html