Tín dụng đen hoạt động ngày càng công khai, liều lĩnh

03/07/2021 10:33

Kinhte&Xahoi Săn “mồi” qua điện thoại, quảng cáo trên mạng và tờ rơi, các tổ chức tín dụng đen tung lực lượng mời chào vay tiền nhanh, khiến nhiều người “sập bẫy”. Có trường hợp mất khả năng trả nợ đã phải uống thuốc ngủ, lao xuống sông tự vẫn.

Tín dụng đen ráo riết săn “mồi”

Chỉ cần dừng xe ở ngã ba, ngã tư chờ đèn đỏ, người đi đường lập tức nhận được các tờ rơi phát tận tay quảng cáo vay tiền nhanh, không cần thế chấp tài sản như các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đen còn tung lực lượng dán quảng cáo trên cột điện, bờ tường, nơi công cộng. Thậm chí, chúng gọi điện, nhắn tin mời chào vay tiền nhanh qua điện thoại; quảng cáo trên website, mạng xã hội khiến không ít người “sập bẫy”.

 Nhiều tờ rơi, quảng cáo cho vay tín dụng được dán trong các ngõ xóm. Ảnh: Định Quang

Cùng với đó, hoạt động biến tướng cho vay qua app trên các thiết bị điện tử thực sự là “ác mộng” khi người dân chẳng may dính vào. Thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh là các "ưu điểm" mà hình thức cho vay qua app đang dùng để lôi kéo người vay. Nhưng song hành với đó là khoản lãi khổng lồ phải trả, những lời đe dọa, bôi nhọ nếu không trả đúng hạn. Có trường hợp do nhu cầu mua sắm cá nhân, vay qua app 20 triệu đồng, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, tiền lãi “phù phép” sau vài tháng lên đến cả vài trăm triệu đồng. Do chưa có khả năng trả nợ, người vay và người thân, bạn bè bị phía app cho vay khủng bố, đe dọa.

Không chỉ những thanh niên mê cờ bạc, cá độ, cả một số cán bộ, công chức cũng dính nợ khi cần tiền. Nhiều gia đình đã điêu đứng vì con cái, thành viên trong gia đình âm thầm vay tiền tiêu xài rồi mất khả năng trả nợ. Có những trường hợp mất khả năng trả nợ đã phải uống thuốc ngủ, lao xuống sông tự vẫn.

Mới đây, ngày 12/6, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát đi cảnh báo về tình trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động tín dụng đen bằng hình thức cho vay online. Các nạn nhân bị lừa yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, gia đình, bạn bè để duyệt hồ sơ cho vay online qua ứng dụng điện thoại. Sau đó, các đối tượng buộc người vay trả nợ với lãi suất “cắt cổ”.

Dù người vay không muốn tiếp tục vay nữa nhưng đối tượng vẫn tự ý chuyển khoản thêm tiền vào số tài khoản ngân hàng của người vay rồi buộc người vay chuyển ngược lại gấp đôi khoản tiền đó với lý do trả gốc, lãi và phí vay. Để không trở thành nạn nhân của tín dụng đen, cơ quan công an khuyến cáo người dân nếu phát hiện các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ trái quy định qua hình thức online, thì nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất hoặc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan đến tội phạm tín dụng đen, trung tuần tháng 6 vừa qua, Công an quận Hoàng Mai đã phá đường dây cho hơn 7.300 người vay nặng lãi hàng chục tỷ đồng; đồng thời, khởi tố, bắt tạm giam 9 bị can về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Mở rộng điều tra, Công an quận Hoàng Mai xác định ổ nhóm tín dụng đen này hoạt động từ tháng 6/2017 đến nay; khi khách vay 10 triệu đồng sẽ lập tức bị cắt lãi 2 triệu, chỉ nhận được 8 triệu đồng. Khách vay cũng sẽ phải đóng mức lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày (tức 180%/năm). Thời điểm bị phát hiện, các đối tượng này đang cho 173 khách vay tại các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Cầu Giấy... Qua thống kê, trong khoảng 4 năm hoạt động, đường dây cho vay nặng lãi này đã giao dịch với hơn 7.300 người, tổng số tiền gần 21 tỷ đồng, qua đó thu lời 6,8 tỷ đồng.

Mỗi người phải tự biết bảo vệ mình

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, tín dụng đen, cho vay nặng lãi là tình trạng phổ biến diễn ra trong thời gian dài và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Các đối tượng thường cho vay với lãi suất cao đến “cắt cổ”, sau khoảng thời gian cho vay từ 1 - 2 tháng, số tiền phải trả có thể gấp vài lần khoản vay ban đầu. Các đối tượng cho vay lãi nặng thường hướng đến những người cần tiền để đánh bạc, chơi lô đề, ma túy; hoặc những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết với lời mời chào ban đầu hấp dẫn như thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, lãi suất thấp nhưng ngay sau khi đồng ý vay, những gì mà người vay nhận lại trái ngược hoàn toàn.

Mặt khác, với sự phát triển của mạng xã hội, internet thời gian gần đây xuất hiện nhiều hình thức cho vay qua mạng, qua các app online với lời quảng cáo thủ tục nhanh gọn, điều kiện cho vay đơn giản… nên nhiều người nhẹ dạ tin theo và đồng ý vay; tuy nhiên phải trả lãi cao hơn rất nhiều so với cam kết, dẫn đến mất khả năng thanh toán. Đến khi người vay không thể trả nợ được, các đối tượng cho vay có những hành vi đòi nợ bằng cách gọi điện khủng bố người vay và người thân của người vay, phá hoại chỗ ở của người vay như tạt sơn, chất bẩn vào nhà hoặc manh động hơn là đe dọa, gặp trực tiếp người vay để dùng vũ lực ép đưa tiền.

Về quy định của pháp luật, luật sư Luân Thị Nương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) dẫn Bộ luật Dân sự năm 2015 cho biết, trong hợp đồng vay tài sản, các bên được phép thỏa thuận về lãi suất nhưng không được quá 20% khoản vay trong vòng 1 năm. Nếu thỏa thuận về lãi suất vượt quá con số 20%/năm của khoản vay nói trên thì phần vượt quá bị vô hiệu. Nghĩa là người vay tín dụng đen không phải trả phần lãi vượt quá đó. Mặt khác, người cho vay với lãi suất cao còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, tại Điều 201 về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với mức lãi suất gấp từ 5 trở lên mức lãi suất tối đa theo quy định tại Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về hành vi này mà chưa được xóa án tích thì phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất đến 3 năm. Mặt khác, các đối tượng có hành vi đòi nợ bằng cách đe dọa, tạt chất bẩn vào nhà có thể cấu thành tội khác như cướp tài sản, xâm phạm chỗ ở của người khác, đe dọa giết người…

Để phòng chống vấn nạn này, cách tốt nhất là mỗi người phải tự biết bảo vệ mình, không nên dễ dàng tin vào những lời mời chào về các dịch vụ cho vay ưu đãi trên mạng. Về phía lực lượng chức năng, cần điều tra, làm rõ, và đánh sập các trang mạng, các app cho vay tiền online có dấu hiệu tín dụng đen, bởi hiện nay, các đối tượng có xu hướng hoạt động rất mạnh trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, cần siết chặt quản lý dịch vụ cầm đồ và đặc biệt là trấn áp được các tệ nạn như đánh bạc, ma túy vì đó là “nguồn sống” của tín dụng đen.

"Các đối tượng cho vay tín dụng đen ngày một liều lĩnh hơn, công khai hoạt động nhiều hơn dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho tình hình trị an, trật tự xã hội. Việc tham gia vào các hợp đồng tín dụng đen không những mang lại rủi ro về số tiền phải trả mà còn gặp nguy hiểm và có nguy cơ bị xâm hại về thân thể, sức khỏe, tính mạng đối với người vay." - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối Nguyễn Ngọc Hùng

 Thái San - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/tin-dung-den-hoat-dong-ngay-cang-cong-khai-lieu-linh-425802.html