Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều tối 21/7
Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh TP HCM chiều tối 21/7, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cho biết, qua theo dõi, thành phố đánh giá thời gian qua số ca dương tính được phát hiện hàng ngày tăng cao và đang diễn biến phức tạp. TP HCM đánh giá chưa đạt đỉnh dịch và sẽ còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới. Vì vậy, trong 3 kịch bản đã đề ra, cho đến thời điểm này, tình hình phù hợp hơn với kịch bản thứ 2 là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và thậm chí tăng cường một số biện pháp phòng dịch mạnh hơn.
Để tiếp tục thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 16 và tăng cường, TP HCM cần các giải pháp như: Tiếp tục giãn cách xã hội nhưng tập trung tuyên truyền, vận động, giám sát để người dân, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn.
Với một số khu vực nguy cơ rất cao, đông dân cư như nhà trọ của người lao động, giãn cách chưa đảm bảo thì thành phố sẽ tính toán giãn dân phù hợp nhằm tạo điều kiện để người dân ít tiếp xúc. Đây là việc đầu tiên để giãn cách triệt để người với người, nhà với nhà. Ngoài ra, TP HCM tiếp tục tuyên truyền, thực hiện triệt để một tuần hoặc 10 ngày tới nhằm ngăn chặn dòng lây lan để có thể lập đỉnh dịch thời gian này rồi thực hiện biện pháp tiếp.
Song song đó, TP HCM thực hiện giải pháp thứ 2 là tập trung cao vào phân loại, phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0. Theo đó, ngành Y tế TP đã đề ra mô hình 5 tầng. Cụ thể, tầng thứ nhất là với người vừa test nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính, tức nghi mắc Covid-19, thì sẽ tạm thời chờ ở phường, xã, thị trấn. Sau khi lấy mẫu đơn PCR dương tính, số không triệu chứng, không bệnh nền, không có bất thường thì sẽ được cách ly tập trung tại quận, huyện để theo dõi, chăm sóc. Số này chiếm khoảng trên dưới 70% qua đánh giá, theo dõi.
Tầng 2 là tầng có triệu chứng, cần điều trị thì chủ yếu điều trị ở bệnh viện quận, huyện. Tầng 3 và tầng 4 là có triệu chứng, có bệnh nền, cần điều trị ở tuyến cao hơn thì sẽ điều trị một phần ở bệnh viện quận, huyện và một phần ở các bệnh viện tuyến cao hơn. TP HCM đánh giá ở tầng 2, 3, 4 thì chiếm khoảng 20-25%. Còn lại tầng 5 là tầng rất nặng, tầng hồi sức và TP HCM đang tập trung nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân rất nặng làm sao để hạn chế tỷ lệ tử vong thấp nhất.
Giám sát đột xuất việc người dân thực hiện cách ly y tế tại nhà trên địa bàn Quận 5 (Ảnh minh họa)
Theo ông Phan Văn Mãi, mô hình phân nhóm, phân tầng theo 5 tầng sẽ giúp giảm tải cho ngành Y tế thành phố. Theo đó, TP không cần đưa người không có triệu chứng vào cơ sở điều trị mà chủ yếu ở địa phương quản lý, theo dõi, chăm sóc.
Giải pháp thứ 3 là đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho khu phong tỏa, nhóm gia đình khó khăn cần tăng cường hơn vì phải thực hiện giãn cách triệt để, hạn chế việc đi ra ngoài. Cuối cùng là giải pháp thứ 4 là tập trung bảo vệ, mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19.
Thời gian qua, TP HCM đã tập trung nhiều cho vùng nguy cơ cao nhưng sẽ mở ra hoạt động ở vùng đệm để bảo vệ vùng xanh được an toàn, củng cố mở rộng vùng xanh. Cụ thể như huyện Củ Chi lúc đầu chỉ có 2 xã "xanh", dần dần bằng nhiều biện pháp mở rộng thì có nhiều mảng xanh hơn nữa. Đây là sự chuyển trọng tâm thời gian tới trong phương pháp phòng chống dịch của TP HCM.
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên cũng đặt các câu hỏi liên quan đến các khu cách ly như việc cung cấp điện cho các khu cách ly, khu điều trị Covid-19 được thực hiện ra sao...
Trả lời vấn đề này, ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM cho biết, hiện đang đảm bảo mục tiêu quan trọng là cung cấp điện tại 12 chốt phòng, chống dịch quanh thành phố; 15 bệnh viện dã chiến và hơn 300 công sở bao gồm cả bệnh viện và các địa điểm cách ly, mới nhất cung cấp cho 2 bệnh viện đang xây dựng và đưa vào vận hành.
Theo chỉ đạo mới, TP HCM phải xây dựng các địa điểm cách ly F0 không triệu chứng thì Tổng Công ty cũng chỉ đạo 15 công ty trụ cột liên hệ ngay chính quyền địa phương để cung cấp điện trong vòng 24 tiếng kể từ khi có yêu cầu. Hiện nay, việc cấp điện trong thành phố nói chung đang được duy trì đầy đủ và vận dụng tối đa hạ tầng tự động hóa điều hành lưới điện để không phải ra hiện trường.
Phó Giám đốc Tổng Công ty điện lực TP HCM Luân Quốc Hưng phát biểu tại họp báo
Đối với vấn để giảm giá điện trong thời gian tới, ông Hưng cho biết ngành Điện đã 2 lần giảm giá với tổng số tiền là 13.800 tỷ đồng trên cả nước và riêng TP HCM là 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng vừa có hướng dẫn và đối tượng giảm giá điện lần 3 có thay đổi. Đó là hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân Covid-19 theo danh sách được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với lý do tiền điện tăng cao thời gian qua, ông Hưng cho rằng, là do người dân ở nhà nhiều nên điện sinh hoạt tăng như: Sử dụng máy lạnh, xem tivi, nấu ăn... chứ giá điện chưa được điều chỉnh tăng trong thời gian qua.
Đối với câu hỏi về lý do vì sao cấp điện chậm tại một số bệnh viện dã chiến, ông Hưng cho biết, về bệnh viện dã chiến tại khu tái định cư ở phường An Khánh, TP Thủ Đức, thời gian đầu khu R1, R2, R3 mất tương đối nhiều thời gian kiểm tra, thử nghiệm để đảm bảo an toàn. Do đó, những ngày đầu hơi chậm trong cung cấp điện. Tuy nhiên, đến nay đã được điều chỉnh và cung cấp điện an toàn cho các khu cách ly, khu điều trị... Riêng tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, ngành Điện sử dụng 2 nguồn điện trung thế và một máy phát dự phòng để đảm bảo nguồn điện tối đa cho khu vực này.
Đức An - TTTĐ