TP HCM: Triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 đợt 2 cho 3 nhóm đối tượng
Kinhte&Xahoi
Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại TP HCM đợt 2 sẽ diễn ra từ ngày 19/4 - 30/4 và hoàn thành tiêm vét trước ngày 15/5/2021.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, trên cơ sở 56.250 liều vắc-xin được phân bổ, TP HCM sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đợt 2 cho 3 nhóm đối tượng.
Ảnh: HCDC.
Cụ thể, nhóm thứ nhất, 45.190 liều ưu tiên cho nhân viên y tế làm công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế (người chưa được tiêm mũi 1 trong chiến dịch đợt 1) cả công lập, ngoài công lập và bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn thành phố; Nhóm thứ hai, 2.000 liều ưu tiên cho nhân viên làm việc có tiếp xúc với người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất; Nhóm thứ ba, 9.050 liều tiêm mũi thứ 2 dành cho nhân viên y tế đã được tiêm mũi 1.
GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, toàn Ngành Y tế có hơn 60.000 nhân viên, trong đợt tiêm chủng này do số lượng vắc-xin hạn chế nên Ngành Y tế ưu tiên cho nhân viên làm công tác chuyên môn được tiêm trong đợt này. Cơ sở y tế là nơi có nhiều nguy cơ cũng như là tuyến phòng thủ không được để lây nhiễm COVID-19 nên tiêm chủng cho nhân viên y tế là ưu tiên số một. Do nguồn cung vắc xin khan hiếm, liều vắc-xin để tiêm cho nhân viên y tế là rất quý, các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện tiêm chủng đúng tiến độ, không để vắc-xin hết hạn sử dụng mà nhân viên không được tiêm.
BS. CKII. Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn khi thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Tất cả các điểm tiêm chủng cần chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu. Riêng các điểm tiêm chủng tại Trung tâm Y tế cần lập phương án phối hợp với bệnh viện gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm trong buổi tiêm chủng. Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại TP HCM đợt 2 sẽ diễn ra từ ngày 19/4 - 30/4 và hoàn thành tiêm vét trước ngày 15/5/2021.
Được biết, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vắc xin để tiêm chủng cho 75% dân số. Trong chiến dịch tiêm đợt 1, hệ thống giám sát ghi nhận gần 33% người được tiêm có phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. Có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cũng như các loại vắc-xin khác và thuốc đều có thể gây ra các phản ứng sau tiêm ở các mức độ khác nhau. Do vậy, Bộ Y tế, WHO, UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên xác thực và cung cấp đầy đủ các thông tin khoa học, chính xác về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19, sự liên quan giữa vắc xin và những phản ứng nặng sau tiêm chủng, nhất là những trường hợp xuất hiện tình trạng đông máu và huyết khối sau tiêm vắc xin; cung cấp các khuyến cáo đến người dân và cộng đồng; thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm người dân Việt Nam được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, góp phần vào thành công của cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus