TP HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL mở cửa đón khách du lịch trong điều kiện “bình thường mới”

18/03/2022 16:33

Kinhte&Xahoi Hơn 2 năm qua, ngành du lịch Việt Nam và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Tái khởi động lại dịch vụ, du lịch

Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng chịu ảnh hưởng tác động chung của đại dịch Covid-19; nhất là lĩnh vực du lịch chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng, có những giai đoạn ngành du lịch gần như “đóng băng”. Song song đó, với những chủ trương, giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, Ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước đang trên đà phục hồi phát triển, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19; trong đó, du lịch có những tín hiệu lạc quan, từng bước mở cửa lại thị trường đón khách quốc tế.

Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là đánh giá chung của các lãnh đạo, chuyên gia TP HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL tại Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch “mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” diễn ra ngày tại 18/3 tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng, đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Đồng thời, đề nghị các địa phương đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó, các địa phương phải đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hoá miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo… Phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.

Ngoài ra, các địa phương cần nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch; tăng cường liên kết truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách; tăng cường công tác thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến...

Phát triển du lịch phải thích ứng an toàn với Covid-19.

Được biết, TP HCM đã đưa 152.000 khách du lịch về Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quý IV năm 2021, TP HCM đã xây dựng hơn 20 chương trình du lịch liên kết giữa thành phố đến Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và các tỉnh thành trong khu vực đông bằng Sông Cửu Long để phục vụ khách du lịch theo chương trình thích ứng an toàn với Covid-19...

Thứ trưởng Bộ VHTT và DL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cũng cho biết, thời gian tới, TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tiếp tục liên kết hợp tác trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, khẳng định tỉnh chú trọng phát triển lĩnh vực du lịch. Bạc Liêu là một trong số ít những địa phương mà Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh 2 lần ban hành Nghi quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo bước đột phá nhằm phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng; đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch và dịch vụ của Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác.

Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10 ngàn tỷ đồng; chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh. Để làm được điều này, Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ như: Tập trung nguồn lực đầu tư; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch; hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; tăng cường các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh, nhất là du lịch văn hóa, sinh thái; đẩy mạnh truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch... Trong đó, hợp tác với các địa phương, nhất là với Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long luôn được chú trọng. Tỉnh đã và đang tích cực tham gia vào cơ chế liên kết liên vùng về phát triển du lịch.

Các tỉnh, thành liên kết hợp tác trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Bên cạnh chủ trương đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu còn kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến du lịch vùng ĐBSCL: ưu tiên quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch, công tác quảng bá xúc tiến đầu tư và trong phát triển nguồn nhân lực du lịch...

Đề xuất lãnh đạo Bộ sớm phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch Vùng. Tiếp tục hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch, vì thực tế nhiều địa phương trong khu vực hạ tầng dịch vụ còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, tài nguyên du lịch.

Đồng thời, trong quá trình lập Đề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển.

 Hữu Lễ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tp-hcm-va-13-tinh-thanh-dbscl-mo-cua-don-khach-du-lich-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi-d178409.html