Tại họp báo, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đợt dịch vừa qua cho thấy tầm quan trọng cũng như những khó khăn về nhân lực ở tuyến y tế cơ sở. Do đó, Sở Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm củng cố và tăng cường nhân lực cho y tế tuyến cơ sở.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo
Cụ thể, Sở đã đề xuất các chính sách đặc thù củng cố nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn và được HĐND TP Hồ Chí Minh ban hành tại Nghị quyết 01 năm 2022 vào ngày 7/4.
Sau khi triển khai, ngành Y tế đã thu hút, bổ sung được 92 người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế, trong đó có 64 bác sĩ về hưu; 401 nhân viên bảo vệ và nhân viên vệ sinh cho trạm y tế. Đồng thời, đến nay thành phố đã có 279 bác sĩ đang tham gia chương trình thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế, góp phần bổ sung nhân lực chuyên môn y tế cho các trạm.
Theo bà Quỳnh Như, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Nghị quyết 01. Sở sẽ tổ chức gặp gỡ, giới thiệu với sinh viên sắp tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Khoa Y của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhằm thu hút và tăng số lượng bác sĩ tham gia chương trình.
Bên cạnh đó, Sở cập nhật điều chỉnh chương trình thực hành để các bác sĩ trẻ có nhiều cơ hội nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhu cầu đào tạo và sức khỏe của các bác sĩ tham gia chương trình.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị Hội Y học, Hội Hộ sinh, Hội Y tế công cộng của thành phố hỗ trợ tuyên truyền, vận động người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế tham gia công tác tại trạm y tế; Đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh trình HĐND thành phố điều chỉnh kinh phí hợp đồng cho nhân viên vệ sinh, bảo vệ tại trạm với mục đích thu hút nhóm này tham gia vào công tác hậu cần để giảm tải gánh nặng cho nhân viên chuyên môn trạm y tế.
Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục đề xuất, góp ý Bộ Y tế về dự thảo mới của Luật Khám chữa bệnh đối với thực hành chăm sóc sức khỏe ban đầu; Cơ sở thực hành tại bệnh viện đa khoa có đầy đủ các chuyên khoa theo quy định gắn liền với thực hành tại trạm y tế. Điều này vừa giúp nâng cao hiệu quả thực hành cho người hành nghề, vừa giúp tăng cường năng lực nhân sự y tế cơ sở.
Quang cảnh buổi họp báo
Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi báo chí về việc sau gần 1 tháng học sinh trở lại trường đi học, các bệnh tay chân miệng, hô hấp có khuynh hướng gia tăng thì công tác phòng chống dịch trong trường thực hiện ra sao, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, ngành Y tế và Giáo dục phối hợp rất chặt chẽ trong việc phòng bệnh trong trường học, đảm bảo bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh, hạn chế mức thấp nhất việc học tập, gián đoạn của các em học sinh.
Đơn cử về phòng bệnh tay chân miệng, nhà trường được khuyến cáo giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, đúng cách cho học sinh, cũng như khử khuẩn các bề mặt các em hay tiếp xúc; Còn bệnh sốt xuất huyết thì không nên để nước đọng, không để phát sinh lăng quăng và muỗi…
Việc phổ biến, hướng dẫn đến các trường bằng nhiều hình thức như công văn, các sản phẩm truyền thông, tờ rơi, clip do ngành Y tế soạn nội dung sau đó chuyển cho các trường để phổ biến trong lớp học. Khi có điều kiện, ngành Y tế phối hợp với các trường truyền thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề phòng chống dịch để giáo viên, các em học sinh nắm bắt dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, các đơn vị có sự kiểm tra, giám sát kế hoạch, kịch bản, nhân sự phụ trách phòng chống dịch trong trường học… để khi có trường hợp xảy sẽ biết cách xử lý.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh 9 tháng năm 2022 của UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố tập trung công tác kiểm soát và phòng, chống dịch; Tập trung rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra “dịch chồng dịch” khi các dịch bệnh khác như dịch đậu mùa khỉ, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.
Tình hình dịch bệnh được TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm soát tốt, đồng thời từng bước kiểm soát hoạt động y tế cơ sở. TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn hiệu quả, an toàn; Việc củng cố chiến lược y tế đã được triển khai thực hiện, gắn chiến lược y tế với các hoạt động chiến lược, kế hoạch khác.
Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống.
Nguyễn Trang - TTTĐ