TP Hồ Chí Minh: Đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3
Kinhte&Xahoi
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh cùng UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã đề xuất Chính phủ thêm một số cơ chế để đẩy nhanh tiến độ của dự án đường Vành đai 3 và sớm khởi công công trình, dự kiến tháng 6/2023.
Chiều 14/7, UBND TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh cùng các Sở, ngành đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Buổi họp báo chiều 14/7
Chia sẻ về tiến độ xây dựng dự án đường Vàng đai 3, ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay thành phố cùng với các địa phương đã khẩn trương phối hợp triển khai nhanh các đầu việc tiếp theo, cụ thể: Hoàn thành dự thảo nghị quyết triển khai dự án, bàn giao hồ sơ cho các địa phương thực hiện những đầu việc liên quan, chuẩn bị đo vẽ, kiểm kê, thống kê ranh dự án, hoàn thiện việc tổ chức bộ máy điều hành của các địa phương...
Mục tiêu đặt ra theo yêu cầu của Chính phủ là làm sao khởi công dự án sớm hơn vài tháng, dự kiến tháng 6/2023 thay vì cuối năm 2023. Theo kế hoạch, tháng 10/2022 sẽ bàn giao ranh dự án để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Đến cuối năm 2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Tất cả công việc phải được các địa phương triển khai, bảo đảm thi công đồng bộ, đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thông tin về tiến độ dự án Vành đai 3 tại buổi họp báo
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh cùng UBND các tỉnh thống nhất đưa ra 6 giải pháp trình Chính phủ để thuận lợi khi thực hiện dự án, trong đó cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án; UBND TP Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng (khi thiết kế cơ sở và dự án thành phần xây dựng chưa phê duyệt) làm cơ sở để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.
Trên cơ sở hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng được phê duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; Lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo; Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc; Cho phép UBND TP Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh điều chỉnh cục bộ các quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến dự án; Cho phép UBND TP Hồ Chí Minh thành lập Hội đồng cố vấn dự án gồm các chuyên gia có kinh nghiệm...
Minh Tuấn - TTTĐ