TP Hồ Chí Minh: Dừng dịch vụ ăn uống mang về từ 0 giờ ngày 9/7

08/07/2021 15:44

Kinhte&Xahoi Ngày 8/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ký công văn khẩn về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0h ngày 9/7.

Theo đó, UBND TP nhấn mạnh nguyên tắc là gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận - huyện và TP Thủ Đức.

Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết gồm: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ); Làm việc tại cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao... Trường hợp ra khỏi nhà phải đảm bảo nguyên tắc 5K.

UBND phường, xã, thị trấn tổ chức đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra tập trung đông người, xử lý nghiêm người vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính với trường hợp ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định, không có lý do chính đáng.

 Dịch vụ ăn uống mang về ở TP Hồ Chí Minh sẽ tạm dừng từ 0 giờ ngày 9/7

Ngoài ra, TP cũng tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số, bán vé số dạo, tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày từ 0 giờ 9/7.

Các lĩnh vực được tiếp tục hoạt động gồm: Cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu...); ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chức, luật sư, đăng kiểm, đưang ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Người đứng đầu các cơ sở này chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện an toàn biện pháp phòng, chống dịch. Trường hợp không bảo đảm phải dừng hoạt động. Các cơ quan, đơn vị Nhà nước được yêu cầu làm việc tại nhà, trừ trường hợp thật sự cần thiết như: Chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu. Toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan, công sở được yêu cầu dừng toàn bộ, ngoại trừ họp chống dịch hoặc để xử lý vấn đề cấp bách. Khi tổ chức phải đảm bảo không tập trung quá 10 người.

Trước đó, từ 18 giờ ngày 30/4, toàn bộ vũ trường, quán bar và karaoke trên địa bàn TP phải tạm dừng hoạt động.

Từ 18 giờ ngày 3/5, TP tạm dừng hoạt động massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp chiếu phim, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử.

Từ ngày 10/5, TP áp dụng biện pháp hạn chế số lượng khách phục vụ cùng lúc tại các cơ sở kinh doanh ăn uống không quá 30 người; dừng hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo tập trung từ 20 người trở lên.

Ngày 21/5, TP dừng hoạt động buôn bán tại chỗ đối với quán ăn ven đường, nhà hàng ăn uống trên 10 lao động và nhà hàng trong khách sạn phục vụ không quá 20 người.

Ngày 27/5, TP tiếp tục dừng hoạt động của các nhà hàng trong khách sạn, chỉ phục vụ cho khách lưu trú trong khách sạn; các quán ăn, trà đá, cà phê vỉa hè, chỉ phục vụ cho khách mang về; tạm ngưng dịch vụ làm đẹp, tiệm hớt tóc, gội đầu; dừng các nghi lễ tôn giáo.

Đến tối ngày 7/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong công bố áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9/7.

Đây là lần thứ 4 TP thay đổi, kéo dài biện pháp giãn cách xã hội. Từ ngày 27/4 đến sáng 8/7, TP ghi nhận 8.385 ca mắc Covid-19 mới, và hiện đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.

TP Hồ Chí Minh: Lập bệnh viện dã chiến tại Thuận Kiều Plaza

Sáng 8/7, hàng chục công nhân được điều động đến tòa nhà Thuận Kiều Plaza, quận 5 (TP Hồ Chí Minh) làm các công tác thành lập bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.

Được biết, từ chiều và tối 7/7, nhiều vật tư xây dựng bệnh viện dã chiến được tập kết vào phía trong của tòa nhà. Công việc này được thực hiện tiếp tục trong sáng 8/7.

Các tổ công nhân lần lượt vào phía trong và di chuyển lên các tầng cao của Thuận Kiều Plaza. Theo một kỹ sư, họ được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công bệnh viện so với kế hoạch, để sớm hoàn thành và bàn giao cho thành phố.

Các công nhân cho biết họ triển khai xây dựng bệnh viện dã chiến tại nhiều lô thuộc tầng 2 của Thuận Kiều Plaza.

Thuận Kiều Plaza được xây dựng năm 1994, với diện tích xây dựng khoảng 100.000 m2, tại phường 12, quận 5. Công trình này có 3 tòa nhà cao 33 tầng với hàng trăm nhà ở, phòng chức năng. Trước khi được trưng dụng xây dựng bệnh viện dã chiến, Thuận Kiều Plaza ít được khai thác sử dụng.

 Tiểu Thúy - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/tu-0-gio-ngay-97-tp-ho-chi-minh-dung-dich-vu-an-uong-mang-ve-426454.html