Tính đến nay đã tròn một năm từ ngày thành phố mở cửa sau đợt phong toả vì COVID-19, hoạt động kinh doanh cũng đã tự tin và náo nhiệt hơn. Tuy nhiên, bức tranh mặt bằng vẫn chưa thể sáng màu như trước đại dịch.
Dạo một vòng quanh qua các quận trung tâm như Quận 1, Quận 3, Quận 5… có thể dễ nhận thấy còn rất nhiều mặt bằng “vàng” đóng cửa nằm chờ khách.
Một mặt bằng trên đường Nguyễn Huệ (Quận 1) chi chít thông tin cho thuê
Vốn là khu vực trung tâm của trung tâm thành phố, đường Nguyễn Huệ (Quận 1) được cho là “dát vàng” bởi giá thuê nhà tại đây cao ngất ngưởng, một mặt bằng có thể lên tới vài chục nghìn đô. Cao là thế, nhưng hiếm khi nào thấy mặt bằng tại đây “ế khách” bởi tiềm năng kinh doanh to lớn, cho đến khi đại dịch COVID-19 ập đến. Hàng loạt chủ hộ kinh doanh tại đây trả mặt bằng vì không trụ nổi, người cho thuê thì phải hạ giá kỷ lục nhưng vẫn không ai liên lạc.
Mặt bằng tại số 47 Nguyễn Huệ có diện tích 4x25m, gồm 1 trệt 2 lầu đang được chào thuê với giá 12.000 USD/tháng. Anh Giang - người môi giới của mặt bằng này cho biết, chủ thuê cũ đã trả mặt bằng lại từ đợt thành phố phong toả, đến nay vẫn chưa tìm được chủ mới dù cũng có vài người hỏi. “Nhiều người gọi hỏi anh về mặt bằng này nhưng khi nghe báo giá 12.000 USD thì họ ngập ngừng. Anh cố thuyết phục rằng giá này đã giảm so với trước và vẫn có thể thương lượng nhưng họ chỉ ậm ừ hẹn rồi đến nay chẳng có hồi âm”, anh Giang ngao ngán nói.
Đi dọc tuyến đường Đồng Khởi, có không dưới 10 mặt bằng lớn có, nhỏ có, đẹp,… nhưng cũng đang đóng cửa, bên ngoài chi chít thông tin “nhà cho thuê” kèm số điện thoại. Gọi vào một số điện thoại treo tại mặt bằng số 78 Đồng Khởi, anh Khánh - người môi giới ở đây cho biết, mặt bằng này có diện tích 4x18m, 1 trệt 1 lầu và đang chào thuê với giá 7.500 USD mỗi tháng.
“Trước đây chỗ này cho thuê để bán phở, đợt dịch kinh doanh ế ẩm nên chủ cũ trả lại mặt bằng. Đến nay chỗ này đã giảm giá nhiều, có thời điểm giảm tới vài trăm đô vẫn chưa có ai gật đầu”, anh Khánh chia sẻ. Nhẩm ra, chỉ trong một năm mặt bằng bỏ trống, chủ nhà đã thất thoát khoảng 2 tỷ đồng.
Rất nhiều mặt bằng đẹp trên đường Đồng Khởi (Quận 1) ế ẩm
Tình trạng mặt bằng “đẹp” ế ẩm, đóng cửa im lìm cũng diễn ra tại nhiều tuyến đường khác của khu vực Quận 1 như: Hàm Nghi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Cách mạng tháng 8, Hai Bà Trưng… Những mặt bằng này chủ yếu được các chủ cũ thuê để kinh doanh dịch vụ làm đẹp, ăn uống, mua sắm…
Quận 1 là thế, những quận lân cận đắc địa như Quận 3, Quận 5… cũng không khá khẩm hơn.
Được mệnh danh là “con đường thời trang” của TP Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Trãi (Quận 5) vốn rất “hot” nay đi một đoạn lại thấy nhiều nhà treo biển cho thuê. Theo khảo sát tại tuyến đường này, giá thuê cho mỗi mặt bằng có mặt tiền cơ bản 4 - 5m vào khoảng trên dưới 5.000 USD/tháng; Mặt bằng to, đẹp có thể lên tới vài chục nghìn đô la Mỹ. Anh Phi - người đang chào thuê một mặt bằng 8x16m trên tuyến đường này với giá khoảng 120 triệu/tháng nhưng vẫn ít người hỏi thuê. “Giá mặt bằng giờ đã giảm cho khách dễ tiếp cận hơn. Trước đây, giá này chỉ thuê được 1 mặt tiền 4 mét nhưng giờ với giá đó thuê được mặt tiền gấp đôi. Quá rẻ rồi còn gì!”, anh Phi cho biết.
Ngoài Nguyễn Trãi, còn rất nhiều tuyến đường khác đang có nhiều chính sách ưu đãi cho thuê mặt bằng vẫn gặp khó để mời khách, ví như đường Trần Hưng Đạo (Quận 5), Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3), Nguyễn Thị Thập (Quận 7), Phạm Thế Hiển (Quận 8),…
Nhiều mặt bằng tuy giảm giá nhưng vẫn ít khách hỏi thuê, như mặt bằng trên đường Nguyễn Trãi, Quận 5 (bên trái) và mặt bằng đường Nguyễn Thị Thập, Quận 7 (bên phải)
Chị Linh (ngụ Quận 7) đang kinh doanh lĩnh vực ẩm thực cho biết, hiện nay mọi người đều e dè vì dịch COVID-19 chưa chấm dứt hẳn, bên cạnh đó nguồn vốn để duy trì kinh doanh giai đoạn dịch vẫn chưa thu hồi đủ dẫn đến tâm lý lo sợ rủi ro khi đi thuê mặt bằng. “Lỡ đâu COVID-19 có biến thể mới, thành phố lại tiếp tục giãn cách hay bất cứ một dịch bệnh mới nào đó bùng phát như dịch Đậu mùa khỉ chẳng hạn, thì người kinh doanh như bọn chị khó lòng mà trở tay”.
Ngoài ra, theo chị Linh, tình hình kinh tế thành phố dù phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, lạm phát gia tăng, sức mua yếu,… nên nhiều người cũng ngại mạo hiểm thuê để đầu tư nếu không chắc chắn phần thắng và đầu ra.
Bảo Anh - TTTĐ