Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP
Phòng, chống dịch, mở rộng “vùng xanh" là nhiệm vụ chính trị hàng đầu
Chia sẻ một số kinh nghiệm để kéo giảm cấp độ dịch COVID-19 (từ vùng vàng sang vùng xanh), Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Thái Thị Hồng Nga cho biết, vì địa phương là quận cửa ngõ của TP, dân nhập cư nhiều nên nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng là rất cao.
Do vậy, quận xác định việc phòng, chống dịch để mở rộng “vùng xanh" là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Qua đó, tránh lặp đi lặp lại tình trạng “giãn cách" xã hội, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Để trở thành vùng xanh từ 2 tuần nay, bà Nga cho biết, đây là kết quả của hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ, quyết liệt gồm: Tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng, chống dịch; Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin; Củng cố hệ thống chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; Huy động các bệnh viện, phòng khám tư, nhà thuốc tư trên địa bàn cùng tham gia công tác phòng, chống dịch; Đảm bảo công tác vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế...
Cụ thể, quận Bình Thạnh đã tăng cường tuyên truyền để Nhân dân nắm thông tin về đánh giá cấp độ dịch COVID-19 (hàng tuần được công bố), giúp người dân thấy được lợi ích trong việc cấp độ dịch của phường là vùng xanh (được hoạt động các ngành nghề không hạn chế). Từ đó, người dân sẽ tự nguyện tuân thủ, tự nguyện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
“Quận cũng đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra liên ngành, không phải để xử phạt mà thường xuyên kiểm tra nhằm hướng dẫn và nhắc nhở, đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch ở các quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh thông tin.
Về y tế, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của quận Bình Thạnh là trên 99% người dân được tiêm 2 mũi. Hiện tại, quận đang tăng tốc tiêm mũi 3 và đánh giá công tác tiêm chủng là một trong những yếu tố then chốt kéo giảm cấp độ dịch. Đặc biệt, quận cũng quan tâm đến người nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền bằng việc đưa xe tiêm chủng lưu động đến tại nhà tiêm cho những người dân có bệnh nền không thể tự di chuyển đến điểm tiêm.
Ngoài ra, quận cũng quản lý, nắm chắc số F0 trên địa bàn các phường, nhất là việc sàng lọc, phân loại và lập danh sách các ca F0, treo bảng cách ly y tế tại nhà, kịp thời cung cấp túi thuốc an sinh cho tất cả các trường hợp F0, không để xảy ra trường hợp người dân cần hỗ trợ về y tế nhưng không được giúp đỡ; Phát huy vai trò Trạm Y tế lưu động trong quản lý, chăm sóc F0 tại nhà nhằm hạn chế tỷ lệ F0 tử vong.
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cũng cho biết thêm, địa phương đã vận động được 40 tình nguyện viên cho 20 Trạm Y tế lưu động hỗ trợ y tế địa phương trong công tác chăm sóc F0 tại nhà; Kêu gọi được 213 nhà thuốc tư nhân trên địa bàn tham gia phối hợp y tế địa phương tư vấn, hỗ trợ, cung cấp thuốc cho F0 cách ly tại nhà; Duy trì Bệnh viện Dã chiến của quận để điều trị kịp thời các ca có triệu chứng.
Nhằm chuẩn bị cho người dân đón Tết cổ truyền an toàn, ngoài các hỗ trợ chăm sóc an sinh xã hội cho người dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từng phường vẫn không chủ quan, lơ là các hoạt động phòng chống dịch, nhất là những nơi có các hoạt động văn hoá đón Tết cổ truyền của người dân, nhắc nhở người dân tuân thủ 5K.
Đảm bảo đầy đủ nguồn hàng Tết cho người dân
Về vấn đề cung ứng hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho hay, hiện nay các chợ đã hoạt động trở lại, lượng hàng hóa đổ về tương đối ổn định so với thời gian trước dịch bệnh, dao động từ 8 - 9 tấn/ngày.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Ngọc
Để chuẩn bị cho nguồn hàng Tết Nguyên đán, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp bình ổn, chợ đầu mối, hệ thống phân phối hiện đại. Dự báo trước 25/1 (23 Tết), lượng hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh sẽ tăng gấp 1,5 lần và tăng nhiều hơn sau đó. Sở Công Thương đảm bảo nguồn hàng sẽ cung cấp đầy đủ cho người dân trên địa bàn TP trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Đề xuất cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 - 6 đi học lại từ ngày 14/2
Liên quan đến việc tổ chức học trực tiếp trở lại cho học sinh từ mầm non đến lớp 6, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Trịnh Duy Trọng cho biết, ngày 14/1/2022, Sở đã có tờ trình UBND TP về tổ chức dạy, học trực tiếp giai đoạn sau Tết Nguyên đán. Theo đó, Sở đã đề xuất cho trẻ em mầm non, học sinh từ lớp 1 - 6 đi học lại từ ngày 14/2/2022 với lộ trình, thời gian cụ thể.
Với kế hoạch trên, những học sinh từ lớp 1 - 6 được phụ huynh đồng thuận đến trường sẽ trở lại học trực tiếp. Số còn lại chưa được cha mẹ chưa đồng thuận sẽ tiếp tục học trên internet, truyền hình hoặc giao bài tự học theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
“Phòng chuyên môn của Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể các hình thức tổ chức dạy học cho các đối tượng đi học/ không đi học trực tiếp”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu.
Ngăn chặn tình trạng "tín dụng đen", đòi nợ thuê trên địa bàn
Trả lời về tình trạng “tín dụng đen”, đòi nợ thuê nở rộ với nhiều hình thức uy hiếp tinh thần, thậm chí vu khống, bôi nhọ nhân phẩm… Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) cho hay, từ ngày 1/12/2020 đến nay, lực lượng chức năng ghi nhận 347 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa liên quan đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, giảm 32,22% so với thời gian cùng kỳ.
Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh
Cũng liên quan đến “tín dụng đen”, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn TP đã phát hiện 120 vụ việc. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 45 vụ án, 65 bị can hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê; Khởi tố 10 vụ với 27 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Xử phạt hành chính 3 vụ, 4 đối tượng; Tạm đình chỉ 12 vụ; Đang điều tra xác minh 49 vụ.
N. P - TTTĐ