Phát triển bất động sản trong khu đô thị sáng tạo không chỉ là bất động sản kiểu truyền thống, mà còn phải là bất động sản xanh, xây dựng khu đô thị thông minh, khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, an toàn.
Trong năm 2018, TP.HCM sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào việc xây dựng 4 trung tâm thuộc đề án đô thị thông minh. Đó là: Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng dự án chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Trung tâm an toàn thông tin, kho dữ liệu dùng chung và Trung tâm phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở.
Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025.
Bốn trung tâm điều hành đô thị thông minh
Cuối tháng 11/2017, tại buổi công bố đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách đô thị Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Thành phố đã chọn quận 1 và 12 là hai khu vực triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh.
UBND 2 quận này sẽ phối hợp với các đối tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai mô hình đô thị thông minh tại địa phương. Dựa trên cơ sở hạ tầng hiện hữu ở hai khu vực, một số giải pháp công nghệ phù hợp sẽ được triển khai nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến môi trường, ùn tắc giao thông.
Thành phố sẽ triển khai nhiều ứng dụng, giải pháp trong thời gian tới cho các lĩnh vực như giao thông, môi trường, giáo dục, y tế. Trong đó có nhóm giải pháp về an ninh trật tự với các hệ thống định vị thuê bao di động, tích hợp hệ thống camera giám sát an ninh của ngành chức năng.
Thời gian qua, TP.HCM đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sự xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính và liên thông trong điều hành quản lý giữa các đơn vị quản lý ở các lĩnh vực như giao thông, y tế, môi trường, giáo dục...
Dù vậy, hiện nay các dữ liệu liên quan vẫn còn được lưu trữ phân tán tại các đơn vị khác nhau. Đó là chưa kể chất lượng dữ liệu không thống nhất cũng là một vấn đề vì phụ thuộc vào trình độ, năng lực của những cán bộ công nghệ thông tin tại các cơ quan.
Bởi thế, việc hình thành một hệ sinh thái dữ liệu mở sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các cá nhân, doanh nhân, những người trẻ khởi nghiệp có thể tìm được các thông tin chính thống và hữu ích nhằm chuẩn bị các bước cho việc thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Thành phố sẽ sớm có kế hoạch công bố cổng thông tin cho việc truy cập hệ sinh thái dữ liệu mở trong năm 2018.
Vừa qua, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) cùng với đối tác của hơn 10 quốc gia nghiên cứu, khảo sát mô hình đô thị thông minh trên thế giới, tình hình thực tế ở Việt Nam, TP.HCM để đưa ra những giải pháp tương đối phù hợp cho TP.HCM; trong đó có những vấn đề đặc biệt quan tâm đã được nhóm nghiên cứu chú trọng, như: trung tâm điều hành thành phố, trung tâm dự báo tình hình kinh tế xã hội của thành phố, các chương trình liên quan mô phỏng phòng chống ngập lụt,...
Phát triển đô thị sáng tạo phía Đông
Cuối tháng 7 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, lãnh đạo thành phố chủ trương định hướng gộp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức thành đô thị sáng tạo phía Đông. Việc hình thành đô thị sáng tạo này dựa trên các ý tưởng: xây dựng một khu vực phát triển đô thị công nghệ cao và thông minh trọng điểm của TP.HCM, toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP.HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên mũi nhọn là nền kinh tế tri thức.
Theo Bí thư Thành ủy, TP.HCM xây dựng đô thị đô thị thông minh cũng là đô thị sáng tạovà có 5 điểm nổi bật.
Thứ nhất, TP.HCM là thành phố lớn nhất nước với khoảng hơn 10 triệu dân, mỗi năm lại có thêm "thành phố nhỏ" (các khu đô thị mới) được sinh ra. Điều này xảy ra trong hơn một thập niên vừa qua và nếu không phát triển TP.HCM theo hướng đô thị thông minh thì không thể giải quyết được những vấn đề đô thị một cách hiệu quả.
Thứ hai, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, chiếm 22% GDP, đóng góp 27% ngân sách quốc gia, trong khi diện tích chỉ chiếm 0,6% cả nước và dân số cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu TP.HCM gặp vấn đề về kinh tế sẽ khiến cả nước bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, TP.HCM phải là TP đi đầu về kinh tế để đáp ứng phần lớn yêu cầu của cả nước.
Thứ ba, TP.HCM có lực lượng lao động chất lượng cao, hiện nay tỷ lệ người lao động có bằng đại học cao gấp 2,3 lần so với mức trung bình cả nước.
Thứ tư, năng suất lao động cao gấp 2,7 lần so với toàn quốc, như vậy, rõ ràng TP.HCM có thể tạo điều kiện phát triển công nghệ cao với lực lượng lao động này. Cuối cùng, TP.HCM có các doanh nghiệp tư nhân phát triển rất mạnh, chiếm 82% đóng góp cho nền kinh tế tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, trong một thập kỷ tới, TP.HCM mong muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, duy trì mức đóng góp 30% GDP ngân sách quốc gia; trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, triển khai đề án TP.HCM trở thành đô thị thông minh; phải quan tâm đến mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, TP.HCM đề xuất gộp 3 quận gồm 2, 9, Thủ Đức thành đô thị sáng tạo phía Đông. Quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện, trung tâm nghiên cứu, 4 trường ĐH lớn với trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ và 100.000 sinh viên.
Quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm cung cấp nhiều hạ tầng, tiện ích cho rất nhiều chức năng khác nhau nên sẽ có cơ sở hạ tầng chính cho trung tâm tài chính quốc tế của thành phố. Quận 9 với Khu công nghệ cao (SHTP) thành công nhất tại Việt Nam, sẽ là quận nghiên cứu và phát triển cho khu vực đô thị sáng tạo và cho cả TP.HCM.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phát triển bất động sản trong khu đô thị sáng tạo không chỉ phát triển bất động sản truyền thống mà còn phải phát triển bất động sản xanh, xây dựng khu đô thị thông minh, khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, an toàn...
Theo KD&PL