Trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Kinhte&Xahoi
Chủ tịch Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu (CTMT) quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Đáng chú ý, Nghị quyết nêu lên một thực trạng: Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn CTMT quốc gia rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các CTMT quốc gia đến năm 2025.
Một trong các nguyên nhân Nghị quyết nêu ra, là việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hướng dẫn triển khai các CTMT quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương còn chậm.
Do vậy, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMT quốc gia.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 108/2023/QH15 cho thấy, trong một số lĩnh vực, chúng ta vừa thiếu, vừa thừa, vừa chồng chéo VBQPPL.
Ảnh minh họa.
Chính vì thiếu một số VBQPPL nên thường vào cuối năm (thời điểm phải hoàn thành các kế hoạch năm), tại một số diễn đàn lại “nóng” lên với một số ý kiến đề nghị tháo gỡ khó khăn; từ đầu tư công, tài chính tín dụng, xuất nhập khẩu, chuyển đổi số, kinh tế số...
Cách đây ít ngày (ngày 07/12), trong Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô; lãnh đạo Chính phủ đã nhắc đến chuyện ngay từ đầu quý II/2023, khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng đã yêu cầu NNNN ban hành 2 Thông tư quan trọng: Thông tư hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN.
Xin nêu một dẫn chứng khác, khi khởi công dự án cao tốc phía Đông Bắc - Nam, lãnh đạo Chính phủ khi thị sát một số nơi, đã yêu cầu các tỉnh, thành có cao tốc đi qua phải đáp ứng vật liệu cho nhà thầu. Thế nhưng, hiện nay có dự án mới đạt 15% giá trị hợp đồng, chậm do thiếu vật liệu.
Cuộc sống nói chung, kinh tế thị trường nói riêng, vận động theo quy luật vốn có của nó, đòi hỏi trách nhiệm quản lý phải cung cấp dịch vụ quản lý kịp thời. Đấy là mới nói đến VBQPPL tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chưa nói đến yêu cầu cao hơn là “văn bản kiến tạo” có tầm nhìn dài hơn, xa hơn.
Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao, nhưng trên thực tế, có một số nơi, sự chuyển động còn chậm. Vì vậy, tất cả càng cần phải có ý thức trách nhiệm trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở khả thi, hiệu quả.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus