Nhiều ngày qua, khi sách lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông đã "lộ diện" kéo theo một cuộc tranh cãi nảy lửa về số lượng sách theo chương trình.
Tranh cãi này bắt đầu từ bản thông báo những hạng mục sách của Trường tiểu học An Phong, Quận 8, TPHCM.
Hạng mục sách đầu năm của Trường tiểu học An Phong, Quận 8, TPHCM.
Trừ vài cuốn trường "chèn" thêm, tính ra một học sinh (HS) lớp 1 sẽ cần 20 cuốn sách bao gồm sách giáo khoa (SGK) và vở bài tập (được thiết kế dạng sách). Nếu tính cả sách tiếng Anh, bộ sách lớp 1 có mức giá khoảng trên 600.000 đồng.
Quá khủng khiếp!
Hầu hết, số đông đều "khiếp đảm" với danh sách 20 đầu sách mà một HS sẽ "gánh" trong lớp 1. Việc những đứa trẻ 6 tuổi, nhét từng đấy sách vào đầu trong 9 tháng học ở trường là điều "ngoài sức tưởng tượng".
Nhiều người lo ngại, với một đứa trẻ bắt đầu học chữ, sẽ xoay xở thế nào với ngần ấy sách. Còn khoảng trống nào để các em vui chơi, trò chuyện, tương tác, gắn kết để phát triển?
Sách lớp 1 phụ huynh chuẩn bị đầu năm cho con, chưa tính tập sách bổ trợ
Ngoài ra, học sinh phải "cõng" về nghĩa đen, ba lô của học trò sẽ nặng ký hơn, vai các em sẽ trĩu nặng hơn cho việc đưa sách đến trường, về nhà. Vì không phải trường học, học sinh nào cũng có điều kiện để sách lại ngay ở trường.
"Hết lớp 1, trẻ chỉ cần biết đọc biết viết, tính toán cộng trừ với những số nhỏ, biết cách, thích đọc sách, truyện. Bắt đầu biết cách học, phân chia thời gian, sắp xếp, chuẩn bị và tự quản lý cặp sách, đồ dùng học tập, làm thủ công cho chân tay khéo léo; sống vui vẻ, hạnh phúc ở trường với bạn bè thầy cô..., thế là đủ", chị Nguyễn Thu Hằng.
Chị Nguyễn Thu Hằng, cũng là một phụ huynh có con học tiểu học cho biết, nhìn danh sách liệt kê sách vào lớp 1 của trẻ, chị thật sự choáng váng.
Trong danh sách này, theo chị, chỉ cần sách tiếng Việt, Toán, bài tập tiếng Việt và bài tập Toán, sách tiếng Anh, vở trắng, bảng đen là được. Cùng lắm là có thể thêm cuốn sách Mĩ thuật nếu sách làm đẹp và hay.
Những sách khác hoặc là không cần, hoặc là tư liệu tham khảo của giáo viên.
Về nguyên tắc, trẻ vào lớp 1 chưa biết đọc, biết viết. Việc quá nhiều sách là không cần thiết. Chị cho rằng, các môn như Đạo đức, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Giao thông... nọ kia giáo viên có thể dạy đan xen với môn tiếng Việt, Mĩ thuật, hoặc trong các câu chuyện hàng ngày.
Nhiều phụ huynh và cả giáo viên "trấn an", sách tuy sắm nhiều vậy nhưng thực tế dùng đến không bao nhiêu, không ít cuốn đến cuối năm chưa kịp lật trang nào. Vì vậy, phụ huynh không phải lo con "tẩu hỏa nhập ma" vì quá nhiều sách.
Nếu như vậy lại kéo sự lãng phí và áp lực khủng khiếp cho phụ huynh. Chỉ riêng bộ sách lớp 1, chưa nói đến sách bổ trợ lên đến hàng trăm nghìn là gánh nặng không nhỏ, nhất là người dân ở các vùng sâu vùng xa, công nhân, người lao động...
Nhiều sách không có nghĩa trẻ học nặng, bị ép học
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bộ sách lớp 1 với 20 cuốn sách, giá hàng trăm nghìn đồng là bình thường. Việc nhiều sách chưa hẳn đồng nghĩa với việc chương trình nặng, HS phải học nhiều, phải gánh nhiều kiến thức.
Điều này còn tùy thuộc nội dung sách như thế nào, hình ảnh ra sao, cách truyền tải của giáo viên trên lớp ra sao. Nhất là với lớp 1, các em chưa biết chữ thì sách sẽ "nặng" về mặt hình ảnh, ký hiệu nên vẻ ngoài có thể gây choáng ngợp.
Sách lớp 1 phụ huynh sắm cho con theo hạng mục của nhà trường (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, những tranh cãi về bộ sách lớp 1 quanh hai lý do: SGK quá nhiều cho một đứa trẻ chưa biết đọc biết viết và giá tiền quá cao so với các năm.
Về khía cạnh SGK quá nhiều, theo bà, hiện nay người ta khuyến khích trẻ con đọc sách và có rất nhiều sách cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi. Hơn 20 quyển sách này có là gì nếu chúng ta khuyến khích trẻ đọc?
"Nhiều sách không nói lên được gì về việc trẻ có nguy cơ bị ép học nếu chúng ta chưa tìm hiểu giáo viên và HS sử dụng sách này trên lớp như thế nào", ThS tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
SGK trong danh mục (theo hạng mục của Trường tiểu học An Phong, Quận 8, TPHCM - PV) có 11 quyển, còn lại là vở bài tập. Có vở bài tập, trẻ không phải ngồi viết lại đề, giáo viên cũng không phải viết mẫu vào từng quyển tập cho HS hay lại phải chọn những cách khác như in đề, phô tô... có khi không hiệu quả bằng".
"Danh mục sách này không nói lên được gì về việc trẻ có nguy cơ bị ép học nếu chúng ta chưa tìm hiểu giáo viên và HS sử dụng sách này trên lớp như thế nào", bà nhấn mạnh.
Về số tiền quá cao, theo nữ Thạc sĩ này, khi tài liệu học cho HS đơn điệu, mọi người cũng chê trách. Giờ sách in màu, đẹp thì hiển nhiên giá phải cao.
Bà cũng khẳng định, ngoài Toán và tiếng Việt, tất cả các quyển SGK đều có thể tận dụng lại. Không trường học nào yêu cầu không được dùng sách cũ hay kỳ thị trẻ dùng sách cũ.
Tuy nhiên, trên thực tế trẻ lớp 1 chưa biết đọc viết thành thạo, hoạt động học gắn liền với khá nhiều hình ảnh. Nếu không cho các em viết vào sách thì tranh trong sách, đáp số trong tập, làm sao biết câu trả lời nào gắn với cái hình nào?
Chưa kể, tâm lý của phụ huynh bao nhiêu gia đình muốn tận dụng lại sách của các anh chị năm trước cho con học thay vì ra nhà sách rinh nguyên bộ mới?
Theo bà, đừng đánh đồng việc dùng lại sách cho tất cả các quyển sách và cho tất cả các cấp lớp rồi suy diễn ra tiêu cực trong việc in sách.
Bà bộc bạch: "Tôi chỉ ước gì nước mình đủ giàu để HS không phải tự mua sách đi học".
Thái Nam - Theo Dân Trí