Tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 liên tục tăng mạnh
PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tính đến từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em dưới 18 tuổi tại nước ta là 19,2%; trong đó, 4,8% trẻ từ 13 - 17 tuổi; 8% trẻ 6 - 12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3 - 5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0 - 2 tuổi.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, những trường hợp trẻ mắc COVID-19 viêm đa hệ tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Tuy nhiên, qua chia sẻ về tình hình mắc COVID-19 của trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số tử vong ở trẻ em rất ít.
Chăm sóc trẻ khi mắc COVID-19
Cụ thể, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay, tính đến đầu tháng 2, trong tổng số hơn 516.000 ca mắc COVID-19 của TP HCM có 32.429 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số trẻ em tử vong là 48 ca/tổng số ca tử vong. Qua phân tích gần 2.500 ca mắc COVID-19 tại TP HCM cho thấy có 165 ca trẻ em ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.
Ghi nhận tại các cơ sở y tế thời gian qua cho thấy số ca mắc COVID-19 đang gia tăng tại nhiều địa phương, nhiều trường hợp trẻ em đã mắc COVID-19. Trong số này, nhóm trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin COVID-19 cần được chú ý.
PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, hầu hết trẻ mắc COVID-19 có thể tự hồi phục sau 1, 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Tỉ lệ trẻ nhỏ bị hậu COVID-19 chỉ chiếm 15 - 20%
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hô hấp Medlatec, cho biết: "Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh, 30% người lớn mắc SARS-CoV-2 bị hậu COVID-19 nhưng ở trẻ nhỏ chỉ chiếm 15-20%. Do hệ thống miễn dịch của trẻ em còn khá tốt, sức phục hồi của trẻ em tốt hơn do chưa có bệnh nền, nên không đáng lo ngại".
Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc hậu COVID-19
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng cũng cho biết thêm, trẻ em mắc COVID-19 triệu chứng không nặng. Những trường hợp đã tiêm vắc xin, tỷ lệ triệu chứng nặng giảm mạnh và bệnh nhân gần như phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là trẻ em.
“Mặc dù tỷ lệ rất rất nhỏ trẻ nhiễm SARS-CoV-2 xuất hiện dấu hiệu nặng nhưng các phụ huynh không nên chủ quan mà phải quan tâm đến triệu chứng đường hô hấp của trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C mà uống thuốc hạ sốt 2 lần không hạ thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để có sự hỗ trợ.
Cha mẹ cũng cần quan tâm đến nhịp thở của trẻ như: Trẻ dưới 12 tuổi nhịp thở phải trên 30 lần/phút, trẻ vài tháng đến 1 tuổi nhịp thở phải trên 60 lần. Mẹ không biết đếm nhịp thở của con thì nhìn thấy con có cánh mũi phập phồng, lồng ngực co kéo, thở dốc, quấy khóc thì phải liên hệ với y tế cơ sở để có sự hỗ trợ sớm nhất.
F0 điều trị tại nhà hiện rất lớn, trong đó có trẻ em, nên vai trò của người thân chăm sóc trẻ nhỏ rất quan trọng”, PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng cho biết.
Hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ là vấn đề sức khỏe được các bậc phụ huynh quan tâm, lo lắng, nhất là những bệnh nhân vừa hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh.
Để sức khỏe được quản lý tốt nhất, sau mắc COVID-19 người dân nên đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá tình trạng một cách toàn diện.
Nếu xuất hiện các triệu chứng hô hấp ở hội chứng hậu COVID-19 (khó thở, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực…) thì việc đến khám tại các cơ sở y tế sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm và xử lý sớm những di chứng phổi sau COVID-19.
Trẻ mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh nên được tái khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ngoài ra, gia đình nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý để giảm triệu chứng sau mắc COVID-19.
Phương Thu - TTTĐ