Trẻ em sử dụng tiền lì xì như nào cho đúng?

31/01/2022 07:07

Kinhte&Xahoi Mừng tuổi đầu năm vốn là nét văn hoa đặc sắc từ thời xa xưa, cho đến nay tục lệ này vẫn được lưu giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của người Việt Nam. Tuy nhiên, nhận lì xì và sử dụng thế nào lại là một vấn đề mà cha mẹ cần hướng dẫn trẻ.

Tục lệ mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hoá ở Việt Nam. Thông thường, vào những ngày đầu năm mới, các thành viên trong gia đình đều xúng xính áo quần đẹp đi chúc Tết người thân, bạn bè. Điều mong đợi nhất của đám trẻ luôn là màn lì xì đầu xuân. Ý nghĩa lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khoẻ và tài lộc cho mọi người.

Người lớn lì xì cho trẻ em thể hiện sự quan tâm, yêu thương, với lòng mong ước con, cháu khoẻ mạnh, bình an, chăm ngoan, học giỏi. Với trẻ em, nhận lì xì vừa là niềm vui nhận được may mắn đầu năm, vừa là để trẻ hiểu tấm lòng của người mừng lì xì.

Nét đẹp văn hoá trong tục lệ lì xì đầu năm của người Việt. (Ảnh minh hoạ)

Tết là thời điểm trẻ nhận được nhiều lì xì, cha mẹ cần phải định hướng cho các em cách sử dụng tiền mừng tuổi đầu năm thật hữu ích. Theo chị Cao Thị Hoa, giáo viên trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm), nên dạy trẻ nhận lì xì đúng cách. Khi nhận, bố mẹ hãy dạy con nhận bằng hai tay để thể hiện sự lễ phép, kính trọng người lớn tuổi, biết nói lời cảm ơn và dành cho người mừng tuổi mình lời chúc năm mới. Ngoài ra, cha mẹ cần dạy trẻ không mở bao lì xì ngay khi nhận mà hãy đợi đến cuối ngày hay khi người mừng ra về thì có thể mở. Bởi, trẻ cần hiểu được ý nghĩa của việc lì xì đầu năm là lời chúc năm mới với mong muốn những điều may mắn sẽ đến chứ không phải là giá trị bên trong chiếc phong bao lì xì.

“Sau dịp Tết, số tiền lì xì của trẻ có thể lên tới vài triệu đồng, đây là thời điểm phù hợp để bố mẹ hướng dẫn con cách chi tiêu, thậm chí có thể hướng dẫn trẻ giữ tiền như một khoản đầu tư cho những thứ vật chất con cần, thay vì nói câu ‘đưa tiền lại để mẹ giữ”, chị Cao Thị Hoa gửi lời khuyên tới các bậc phụ huynh.

Cha mẹ cần định hướng cho con cách quản lý tiền lì xì sau Tết.

Chị Đặng Thị Hoa, 25 tuổi, quận Hà Đông cho biết, trước mỗi dịp Tết, chị thường dẫn con đi chọn một chú heo đất mà con thích, rồi dạy con nuôi heo để giữ tiền lì xì. Chị thấy điều này giúp trẻ học cách tiết kiệm rất hiệu quả và tránh được việc con đòi mua đồ sử dụng không đúng mục đích.

“Ngoài ra, mình còn dạy con nên dành một chút tiền lì xì để làm từ thiện trong mỗi đợt quyên góp tiền từ thiện ở trường con đang học. Từ việc làm từ thiện giúp đỡ các bạn cùng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn, con sẽ biết cách trân trọng cuộc sống, trân trọng những điều mà mình đang có”, chị Hoa chia sẻ thêm.

Trong khi đó, chị Cao Hồng Trang (32 tuổi, quận Cầu Giấy) cho biết, chị thường dạy con sử dụng tiền lì xì vào mục đích học tập. “Khi con sử dụng chính tiền của mình để mua sách vở và đồ dùng học tập, con sẽ cảm thấy bản thân có trách nhiệm hơn, khi đi học, con còn rất biết giữ gìn đồ mà mình đã mua”, chị Hoa nói.

Anh Phạm Việt Anh, 27 tuổi, quận Cầu Giấy thường dành cho gia đình một chuyến du lịch ngắn ngày sau những ngày Tết. Trong chuyến du lịch, con trai anh có thể dùng tiền lì xì để ăn những món con thích, đi những địa điểm vui chơi mà con muốn, hay mua những món quà lưu niệm. Anh cảm nhận, sau mỗi chuyến đi, con đều tự khám phá được điều mới và biết cách chi tiêu rất hợp lý cho từng nhu cầu của con, con ngoan hơn và biết cách tự lập hơn.

 Mai Khôi - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tre-em-su-dung-tien-li-xi-nhu-nao-cho-dung-189159.html