Nghị quyết nêu rõ, tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã cơ bản được kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19 nhưng tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gây suy thoái kinh tế toàn cầu, làm đình trệ hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu, nhất là ở các nước đối tác lớn của Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đón đầu thời cơ, quyết tâm thực hiện ‟mục tiêu kép” - vừa tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020; vừa tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại; trong đó tập trung một số nội dung chủ yếu sau:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; thể hiện bản lĩnh trí tuệ, đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì đất nước, vì dân tộc, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương, sâu sát ngành, lĩnh vực, địa bàn, chủ động có các biện pháp, đối sách phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh bằng những giải pháp cụ thể để phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Đồng thời, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm; kiên quyết không để tình trạng một số cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển.
Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có các giải pháp phù hợp để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa, coi đây là 5 mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách, quy định pháp luật phù hợp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt, giảm thực chất các điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây cản trở, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và thuận lợi.
Các Bộ, cơ quan quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô và quản lý chuyên ngành, các địa phương, đặc biệt là các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng để có giải pháp điều hành phù hợp với tình hình.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính triển khai hiệu quả Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền việc gia hạn, miễn, giảm một số loại phí, lệ phí, thuế để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chuẩn bị báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, cập nhật tình hình, xây dựng kịch bản tổng thể về tăng trưởng kinh tế năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Rà soát việc các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải chuyển nhượng vốn hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Công Thương tập trung rà soát, có giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển bền vững thị trường trong nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, chủ động kế hoạch triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Khơi thông, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tăng cường xuất khẩu chính ngạch, nhất là nông sản. Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ...
Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương; sớm đưa các dự án, công trình công nghiệp trọng điểm đi vào hoạt động. Đẩy mạnh phòng, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; khẩn trương xây dựng văn bản quy định sản phẩm hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.