Triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

22/01/2022 18:39

Kinhte&Xahoi Chiều 21/1, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì hội nghị triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tham dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế chỉ có thể được thực hiện hiệu quả với sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực, chủ động của các địa phương, doanh nghiệp. Do đó, việc triển khai hội nghị lần này nhằm nắm bắt sâu hơn nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó, đề ra phương hướng trong năm 2022. 
 
Báo cáo kết quả công tác ngoại giao kinh tế năm 2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong năm qua, bất chấp những thách thức chưa từng có tiền lệ, công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đã đạt những kết quả quan trọng. Trong đó, ngoại giao vắc xin là điểm sáng, có sự tham gia trực tiếp chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương, địa phương.
 
Bộ Ngoại giao đã tích cực tiếp nhận những chia sẻ về khó khăn từ các doanh nghiệp nước ngoài để tháo gỡ và tìm biện pháp giải quyết. Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư khá hài lòng và hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như hoạt động cung ứng vẫn được duy trì. Nội dung ngoại giao kinh tế đã được lồng ghép mạnh mẽ trong các hoạt động đối ngoại trực tiếp và trực tuyến. 
 
Về trọng tâm công tác năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhận định, có các xu hướng đang nổi lên. Đó là: Phục hồi kinh tế thế giới nhìn chung tích cực; việc thích ứng và sống chung với dịch đang là xu hướng chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường hợp tác kinh doanh; đồng thời, xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng rõ nét. Trong bối cảnh đó, ngoại giao kinh tế tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ như tăng cường công tác nghiên cứu tham mưu về chiến lược dài hạn để tham mưu Chính phủ, trao đổi kinh nghiệm mở cửa kinh tế, phục hồi kinh tế; mở rộng các nguồn lực phát triển mới, tổ chức các hội nghị với các quỹ đầu tư, tăng trưởng xanh...
 
Bên cạnh đó, hoạt động kết nối đối tác với các địa phương sẽ tiếp tục được quan tâm. Dự kiến, Bộ Ngoại giao sẽ triển khai 300 hoạt động về ngoại giao kinh tế, trong đó có sự phối hợp với các địa phương, tổ chức. Mặt khác, việc tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, tăng cường quan hệ kinh tế với các đối tác kinh tế lớn cũng cần được chú trọng, song song với việc tập trung hỗ trợ một số ngành kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực y tế, công tác ngoại giao vắc xin, đồng thời, mở đường hỗ trợ địa phương về công nghệ sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, nhân lực chất lượng cao...
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, đứng trước nhiều thách thức, trong năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để vừa kiểm soát, khống chế dịch bệnh, vừa bảo đảm hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. Hà Nội đã nỗ lực tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, đầu tư, xuất khẩu...
 
Thành phố cũng tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, mặt hàng có thế mạnh của địa phương, đổi mới công tác xúc tiến thương mại thông qua kết hợp các phương thức truyền thống và ứng dụng trên nền tảng số, các kênh thương mại điện tử; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối tại các thị trường lớn của thế giới. Đặc biệt, thành phố đã chủ động tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19. Nhờ những nỗ lực vượt khó, kinh tế Hà Nội năm 2021 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. GRDP tăng 2,92%, cao hơn mức trung bình của cả nước.
 
Trong năm 2022, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế để phục vụ phục hồi và phát triển bền vững; tiếp tục coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Thành phố sẽ nỗ lực kịp thời cập nhật thông tin về thị trường các nước, kết nối nhu cầu hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, đón bắt các làn sóng đầu tư - thương mại trên thế giới; đồng thời, chọn lọc, ưu tiên các hoạt động hợp tác phù hợp với thế mạnh của đối tác và tiềm năng, nhu cầu của thành phố cũng như nguồn lực có hạn trong tình hình mới.
 
Một trong những trọng tâm của thành phố năm tới là đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ODA, các dự án hợp tác đầu tư quy mô lớn, cũng như phối hợp với các bộ, ngành trung ương nâng cao hiệu quả triển khai các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.
 
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng việc tranh thủ sự hỗ trợ của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam và cơ quan thương vụ ở nước ngoài để kết nối thị trường, xây dựng chương trình hợp tác và xúc tiến cho từng thị trường, thu hút kiều bào và các đối tác có tiềm năng tham gia hợp tác.
 
Hà Nội cũng sẽ tập trung nguồn lực để chỉ đạo tổ chức thành công các sự kiện quốc gia, quốc tế lớn trên địa bàn như SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 nhằm tận dụng cơ hội quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

 Huy Kiên - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://m.hanoi.gov.vn/web/guest/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2850840/trien-khai-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-nam-2022.html