Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022

10/05/2022 19:49

Kinhte&Xahoi Sáng 10/5, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Thành phố tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai trao bằng khen của UBND TP cho các tập thể

Năm 2021 tình hình thiên tai, sự cố, dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước nói chung cũng như trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng. Thành phố Hà Nội đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của 05 cơn bão và hoàn lưu sau bão (bão số 2, số 3, số 5, số 7, số 8); 15 đợt mưa, 15 đợt không khí lạnh, 09 đợt nắng nóng và các loại hình thiên tai khác như: sét, giông lốc, sạt lở, động đất, cháy rừng do tự nhiên,… Bên cạnh đó, về tình hình sự cố, đã xảy ra 326 vụ cháy làm 12 người chết, 21 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 26 tỷ đồng; 01 vụ nổ khí gas; 423 vụ chập điện trên cột và 723 sự cố khác…
 
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, công tác PCTT&TKCN, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra đã được triển khai kịp thời, toàn diện, triệt để và có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo thích ứng, linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Vừa khắc phục sự cố, thiên tai vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, đồng thời, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác PCTT&TKCN năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc triển khai phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” còn có sự lúng túng giữa lý thuyết và thực hành. Việc quan tâm đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động PCTT&TKCN còn khó khăn do chưa có định mức chi tiết về tài sản chuyên dùng; công tác quản lý sử dụng và bảo quản, bảo dưỡng vật tư, trang thiết bị chưa được coi trọng đúng mức. Công tác xử lý, giải tỏa vi phạm đạt hiệu quả chưa cao. Việc xử lý các vi phạm theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi còn khó khăn...
 
Một số địa phương và đơn vị vẫn còn tư tưởng chủ quan, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, chưa sát thực tế. Một số quận, huyện chưa tập trung chỉ đạo việc thu Quỹ Phòng, chống thiên tai. Công tác thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối tượng tổ chức kinh tế trong nước, nước ngoài và người lao động trong doanh nghiệp. Công tác tổng hợp thông tin của các cấp, các ngành trong tất cả các lĩnh vực còn chưa đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Báo cáo tình hình thiên tai, thiệt hại còn thiếu chính xác, đồng bộ giữa các cấp, các ngành.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trao bằng khen của UBND TP cho các cá nhân

Để khắc phục những việc còn tồn tại hạn chế trong công tác PCTT&TKCN năm 2021, tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, trong năm 2022, các cấp, các ngành, địa phương các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chị thị số 07/CT-UBND ngày 07/4/2022 của UBND Thành phố về công tác PCTT&TKCN năm 2022. Cụ thể, cần tập trung hoàn thành việc tổng kết, đánh giá công tác PCTT&TKCN năm 2021, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2022. Kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các sở, ban, ngành và phân công nhiệm vụ từng thành viên xong trước ngày 20/5/2022. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của Trung ương và Thành phố trong lĩnh vực PCTT&TKCN. 
 
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị cập nhật, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, sự cố phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19, đặc biệt là các phương án sản xuất nông nghiệp, phương án chống úng ngập, chống hạn, phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm, phương án phòng cháy, chữa cháy,…; đảm bảo sát thực tế, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Có kế hoạch diễn tập, tập huấn các phương án nhằm triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” ngoài thực địa, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các công trình đê điều, thủy lợi để kịp thời tu sửa, sửa chữa, nâng cấp các hư hỏng, sự cố, công trình xuống cấp, sẵn sàng đối phó tình huống bất lợi về thời tiết có thể xảy ra; đối với các sự cố nghiêm trọng, kịp thời tham mưu UBND Thành phố công bố các tình huống khẩn cấp về thiên tai, triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, đất canh tác của Nhân dân. 
 
Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá lại số lượng, chất lượng và mua sắm bổ sung các trang thiết bị, vật tư, dụng cụ, công cụ, đồng thời, chú ý thường xuyên bảo quản bảo dưỡng và diễn tập để nâng cao năng lực ứng phó. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác PCTT&TKCN dưới nhiều hình thức, nhiều nội dung, chú trọng áp dụng các biện pháp, giải pháp trực tuyến, gián tiếp (ứng dụng các trang mạng xã hội, trên thiết bị thông minh...) phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai đảm bảo nhanh chóng, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ ở các cấp để theo dõi, tổng hợp và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên địa bàn....
 
Tại hội nghị, 10 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT&TKCN năm 2021 đã được UBND TP khen thưởng.

Huy Kiên - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2852139/trien-khai-cong-tac-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan-nam-2022.html