Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, chiều 15/11, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày Tờ trình.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua hơn 03 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) với nhiều quy định mới, có thể khẳng định công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng số lượng luật, pháp lệnh, từ ngày 01/7/2016 (ngày Luật năm 2015 có hiệu lực) đến ngày 30/6/2019 đã có 44 luật và 01 pháp lệnh được ban hành theo quy trình quy định của Luật năm 2015; nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của pháp luật, tập trung hơn nguồn lực và thời gian chuẩn bị, nhờ đó chất lượng VBQPPL đã được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục xử lý. Do đó, mục đích của việc sửa đổi là nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành VBQPPL nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật năm 2015 thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Luật gồm 3 điều, cụ thể như sau: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Điều 2: Bổ sung, thay thế một số cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Điều 3: Điều khoản thi hành.
Sau khi chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 lần này sửa đổi, bổ sung 46 điều về nội dung và 06 điều về kỹ thuật của Luật năm 2015 (giảm 03 điều so với dự thảo Luật đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37). Dự thảo Luật sửa 04 điều của Luật năm 2015 (Điều 47, 58, 92, 121), trong đó bổ sung sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước là một trong các nội dung phải thẩm định, thẩm tra.
Toàn cảnh Phiên họp.
Về xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong thời gian qua, đã phát sinh một số trường hợp cần phải ban hành ngay văn bản để xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn như: trường hợp ban hành văn bản để bãi bỏ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kéo dài thời gian thực hiện văn bản; ban hành thông tư để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn (điều chỉnh giá xăng, dầu, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy…). Vì vậy nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng quy định như Luật hiện hành là cứng nhắc, chưa sát thực tế và đề nghị bổ sung một số trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để đáp ứng nhu cầu thực tế trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL ở nước ta hiện nay. Với lý do đó, dự thảo Luật sửa các Điều 146, 147, 148 của Luật năm 2015, theo đó sửa đổi khoản 2 Điều 146 để cho phép thêm 03 trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, cụ thể là: để bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; để kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn; phải ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên theo yêu cầu về thời hạn thực hiện quy định trong điều ước quốc tế đó. Sửa đổi khoản 3 Điều 147 để bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật năm 2015.
Về ban hành thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật, Luật năm 2015 chỉ cho phép quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch và VBQPPL của chính quyền địa phương khi được giao trong luật. Trong quá trình áp dụng quy định này, các bộ, ngành, địa phương gặp một số khó khăn, lúng túng, nhất là trong việc sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hành chính trong các thông tư của cấp bộ và VBQPPL của địa phương đã được ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực (01/7/2016) và quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về biện pháp đặc thù của địa phương quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật năm 2015. Về vấn đề này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 02 điều (Điều 14 và Điều 172) của Luật năm 2015, cụ thể là: Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14, theo đó bổ sung trường hợp ngoại lệ cho phép địa phương được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 172 để quy định về sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính đã ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực theo hướng cho phép sửa đổi, bổ sung các VBQPPL có quy định thủ tục hành chính được ban hành trước ngày 01/7/2016 với điều kiện không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng.
Về đánh giá tác động thủ tục hành chính của dự Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, theo quy định của Luật năm 2015 thì cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết có nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo, tờ trình và các tài liệu liên quan đến dự án, dự thảo, trong đó có bản đánh giá thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản nếu trong dự án, dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính. Dự thảo Luật sửa đổi lần này chỉ bổ sung quy định để cho phép hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thủ tục hành chính trong các nghị quyết về biện pháp có tính chất đặc thù của địa phương quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật năm 2015, không quy định thủ tục hành chính để áp dụng trực tiếp với người dân và doanh nghiệp, không làm phát sinh chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, do vậy không đặt ra nhiệm vụ đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự thảo Luật.