Càng trải nghiệm càng trân quý mái ấm gia đình
Tháng 8/2021, Bác sĩ Bùi Văn Xuân (công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương) vào miền Nam chống dịch. Sau gần hai tháng nơi tiền tuyến, nay anh đã trở về Hà Nội với gia đình, người thân và làm việc bình thường tại bệnh viện Mắt Trung ương.
Những ngày tháng giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nặng với anh là khoảng thời gian không thể nào quên và có quá nhiều cảm xúc. Anh kể, đau thương lắm, nhất là khi đứng trước cảnh cả một gia đình mất vì dịch. Tang thương ám ảnh bác sĩ trẻ, anh chỉ cầu mong không phải chứng kiến tình cảnh này thêm một lần nào nữa.
Là bác sĩ điều trị trong môi trường nguy hiểm cận kề, Covid-19 kế bên, chỉ bất cẩn một chút thôi là có thể nhiễm bệnh, anh Xuân cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng luôn dặn lòng phải mạnh mẽ, khỏe mạnh để thắng dịch, sớm trở về với gia đình, vợ, con.
Gia đình nhỏ của bác sĩ Bùi Văn Xuân
Bác sĩ Xuân kể: “Con trai mình còn nhỏ chưa đầy 3 tuổi, thích chơi với bố nhất. Con bé quá chưa biết chuyện gì, chỉ biết là bố đi “bắt” Covid. Lúc mình đi công tác phải giấu con, hằng ngày tranh thủ thời gian điện thoại về cho hai mẹ con. Xa nhà, xa Hà Nội trong những lúc “cam go” càng nhớ nhà da diết. Lúc mình trở về, con dỗi hờn, giận bố nhưng vẫn nhìn trộm sợ bố lại đi nữa nên nhanh chóng “bám” như trước, yêu lắm”.
Năm 2018, anh Bùi Văn Xuân kết hôn. Vợ anh làm trong ngành tài chính ngân hàng. Hai anh chị đã có một cậu con trai kháu khỉnh. Cuộc sống của vợ chồng bác sĩ trẻ êm đềm, hạnh phúc. Nay, cuộc sống “bình thường mới”, cặp vợ chồng trẻ lại bên nhau như những ngày trước đây. Có vợ, chồng, các con, có những ngày chia xa nhưng đầy ý nghĩa cho cộng đồng. Họ càng hạnh phúc hơn.
Anh Xuân bày tỏ: “Việc làm đầu tiên khi trở về Hà Nội, sau khi hoàn thành cách ly, mình chạy ào về nhà với vợ, con, ăn bữa cơm gia đình. Chứng kiến cảnh tang thương nhiều quá nên mình chỉ mong cầu một điều đơn giản là sự bình an với bản thân, gia đình và những người thân yêu. Covid-19 khiến cho nhiều gia đình phải chia lìa, mình có nhà phải cố gắng giữ gìn, giữ lấy mái ấm, giữ tình yêu gia đình, vợ chồng, con cái, người thân”.
Bác sĩ Bùi Văn Xuân (bên trái) cùng đồng nghiệp
Theo bác sĩ Bùi Văn Xuân, đại dịch ảnh hưởng đến mọi người, công việc khó khăn, thu nhập kém hơn nhưng qua được một cách bình an là đáng mừng rồi. Những lúc thế này, gia đình bình an, khoẻ mạnh là được. “Thường các cặp vợ chồng trẻ chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của mái ấm gia đình nhưng sau khi trải nghiệm mới thêm trân trọng. Mái ấm trong dịch bệnh, trong hoạn nạn càng trở nên thiêng liêng, ý nghĩa và đáng quý đến nhường nào”, bác sĩ Xuân bày tỏ.
Vững vàng vượt qua khó khăn
Tình nguyện vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch nên chị Vũ Thị Loan, điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tạm xa gia đình gần 2 tháng. Hai con của chị còn nhỏ. Chị cũng là lao động chính trong gia đình bởi chồng chưa có công việc ổn định.
Khó khăn là thế nhưng chị Loan vẫn tình nguyện lên đường đến Bệnh viện dã chiến số 4 huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh làm việc từ 29/7 đến 9/9/2021, chung sức chống dịch.
“Suy nghĩ của mình rất đơn giản, đồng nghiệp đang căng mình chống dịch, chẳng có lý do gì để mình ngồi yên. Hơn nữa dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng điều đó không còn quan trọng khi dịch bệnh bủa vây, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người, trong khi đó, mình là một thầy thuốc”, chị Loan chia sẻ.
Chị Vũ Thị Loan đón nhận sự động viên từ Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội
Gần 2 tháng trong bệnh viện dã chiến chị Loan cùng đồng nghiệp căng mình làm việc bởi chỉ có 4 điều dưỡng, 2 bác sĩ phải chăm sóc 220 bệnh nhân. Có những gia đình tất cả thành viên đều nhiễm bệnh. Số ca bệnh ngày càng tăng, có những em bé mới chỉ 14-15 tháng tuổi cũng phải vào điều trị.
“Ám ảnh nhất với mình là trên đường trở về nơi nghỉ ngơi thì bắt gặp xe ô tô chở nhiều quan tài lớn, nhỏ. Dịch bệnh cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trong đó có cả những đứa trẻ nên vô cùng xót xa”, chị Loan kể.
Áp lực, căng thẳng nhưng chị Loan cảm thấy ấm áp bởi tình người trong gian khó. Mọi người hỗ trợ sẻ chia cho nhau từng gói mì, hạt muối. Sự kiên cường của đồng nghiệp giúp chị thêm niềm tin, động lực để làm việc, góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại thành phố mang tên Bác.
Rời Thành phố Hồ Chí Minh trở về, chị Loan thực hiện cách ly 14 ngày rồi trở lại với guồng công việc. Giống như những người khác, dịch bệnh khiến cuộc sống gia đình chị thêm khó khăn. Các con phải học online trong khi chị vẫn phải đi làm. Đặc biệt, bé thứ hai nhà chị năm nay vào lớp một, ngưỡng cửa quan trọng nên càng cần sự quan tâm, uốn nắn.
Chị Loan cho biết, trải qua khó khăn, chứng kiến sự sống chết chỉ trong gang tấc chị thêm trân trọng và thấy hạnh phúc với những gì đang có. “Mình được làm nghề yêu thích, có gia đình ở bên động viên là đã may mắn hơn rất nhiều người khi họ mất việc làm, không có chốn để đi về. Mình tin, khó khăn rồi sẽ qua, cuộc sống tốt đẹp sẽ đến”, chị Loan nói.
Những y, bác sĩ như chị Loan, anh Xuân đều xem gia đình là chỗ dựa vững chắc, nơi ấm áp yêu thương nhất đối với mỗi người. Với họ có thể có nhiều nơi để đi nhưng nơi luôn hướng về đó chính là mái ấm gia đình.
Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã ký kết phối hợp tổ chức chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình được triển khai với 3 nội dung: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về hạnh phúc gia đình trong thanh niên; Tuyên dương "Gia đình trẻ tiêu biểu”; Tổ chức các hoạt động xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc”.
Trong khuôn khổ chương trình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và PNJ vừa tổ chức thành công diễn đàn đối thoại “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” với chủ đề “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới”. Các chuyên gia, gia đình trẻ, y, bác sĩ đã chia sẻ nhiều vấn đề, truyền thông điệp xây dựng gia đình hạnh phúc trong bối cảnh mới. |
Nguyễn Dũng - Lê Dung - TTTĐ