Quang cảnh buổi họp báo chiều ngày 17/7.
Chiều 17/7, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ Nhất, kỳ họp Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/7/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 11,5 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 31/7/2021).
Dành 3 ngày làm việc về công tác nhân sự
Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự, cụ thể như sau:
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm VPQH. Ảnh Đ.P
Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh (nếu có); phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao sẽ làm Lễ tuyên thệ trước Quốc hội.
Quyết định kế hoạch phát triển KTXH 5 năm tới
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Quốc hội xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) 05 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Một góc TP HCM trong một bức ảnh được chụp bằng flycam
Theo báo cáo, mặc dù trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố bất định nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đặc biệt trong bối cảnh vừa quyết liệt phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong tổng số 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 05 chỉ tiêu không đạt.
Báo cáo nêu rõ mục tiêu tổng quát đề ra cho kế hoạch 5 năm 2021-2025; đồng thời cũng đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, gồm 08 chỉ tiêu về kinh tế, 09 chỉ tiêu về xã hội, 06 chỉ tiêu về môi trường; trong đó: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45%.
Tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP. Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%. Ngoài ra, báo cáo cũng đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.
Quang Vũ - Pháp luật Plus