Trúng đậm mùa vải thiều, Bắc Giang thu về con số 'khủng'
Kinhte&Xahoi
Sản lượng tiêu thụ vải thiều tại thị trường nội địa đạt khoảng 86.470 tấn, tăng 122% so với cùng kỳ. Bắc Giang thu kỷ lục hơn 6.800 tỉ.
Sản lượng tiêu thụ vải thiều tại thị trường nội địa đạt khoảng 86.470 tấn, tăng 122% so với cùng kỳ.
Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết mùa vải thiều năm 2020 đã kết thúc. Tổng giá trị từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.830 tỷ đồng, tăng 107,31% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu từ vải thiều đạt 5.140 tỷ đồng tăng 107,76 % so với cùng kỳ. Bình quân giá vải thiều năm 2020 đạt 31.200 đồng/kg.
Tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều đạt 164.700 tấn, tăng 109% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 86.470 tấn, chiếm 52,5% tổng sản lượng tiêu thụ, tăng 122% so với cùng kỳ.
Vải thiều được tiêu thụ khắp các tỉnh, TP, tập trung nhiều tại thị trường phía Nam, nhất là các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại… Đối với thị trường xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 78.230 tấn
Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, vải được thương nhân Việt Nam phối hợp với thương nhân Trung Quốc giám sát tại các điểm cân, tiến hành thu mua, đóng gói và xuất khẩu.
Đối với thị trường xuất khẩu Nhật Bản, Mỹ, EU, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Canada,…. được một số DN như Rồng Đỏ, Tập đoàn Vina T&T Group, Công ty cổ phần Tập đoàn Toàn Cầu… thu mua, xử lý sơ chế xuất khẩu trực tiếp.
Dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng mùa vải năm nay tỉnh Bắc Giang đạt được kết quả tích cực. Đó là ngay từ đầu tháng 2 tỉnh đã xây dựng ba kịch bản cho xuất khẩu vải thiều cũng như thực hiện kết nối tiêu thụ mặt hàng này từ sớm với tất cả thương nhân Trung Quốc, DN, thương nhân trong nước, hệ thống phân phối.
Đáng chú ý, năm nay lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại hai điểm cầu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn.
Năm 2020 sản lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 160 ngàn tấn, tăng 10 ngàn tấn so với năm 2019. Vải được trồng ở Lục Ngạn là vùng trồng được Mỹ cấp 18 mã vùng chỉ dẫn địa lý với hơn 300 hộ dân trên 218 hecta.
Vải thiều đạt tiêu chuẩn Global GAP là 80 hecta, 107 hộ tham gia sản xuất vải thiều Bắc Giang được Nhật Bản cấp 19 mã vùng trồng với diện tích 103 ha… Vải này đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản.
Đây là năm đầu tiên vải thiều tươi Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản. Để quả vải được xuất khẩu sang Nhật thành công trước đó năm 2014 Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) bắt đầu đàm phán với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản nhằm xúc tiến mở cửa thị trường Nhật cho quả vải thiều Việt Nam. Nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt đã được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các loại vi sinh vật (là đối tượng kiểm dịch thực vật) có khả năng tồn tại trên quả vải.
Thương vụ đã thu xếp đưa đối tác Nhật về Bắc Giang tìm hiểu khả năng nhập khẩu quả vải thiều Lục Ngạn và giới thiệu công nghệ bảo quản vải tươi của Nhật Bản: 03 lần (tháng 11/2018), (tháng 5/2019), (tháng 11/2019).
Ngày 15/12/2019, sau hơn 5 năm đàm phán giữa hai bên, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản gửi thư cho Cục BVTV thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam.
Các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm:
+ Quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục BVTV kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
+ Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 02 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
+ Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục BVTV cấp.
Ngày 19/6, 01 tấn vải đầu tiên đã xuất đi Nhật bằng đường hàng không và gây nên hiện tượng "cháy" hàng tại các siêu thị ở Nhật Bản |
Phương Nam- Vietq.vn