Trước khi về hưu, PCT TP Hà Nội ký một quyết định gây tranh cãi, hệ luỵ khôn lường
Kinhte&Xahoi
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và các hồ sơ pháp lý liên quan, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP (Cienco 5) không còn chút “quyền lợi và nghĩa vụ nào liên quan” nên Quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất số 5269 của ông Nguyễn Quốc Hùng càng cho thấy sự vô lý và thiếu cơ sở pháp lý. Đã đến lúc Hà Nội cần thanh kiểm tra, rà soát, đồng thời làm rõ động cơ sử dụng quyền hành chính để thay đổi chủ nhân của một khối tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng khiến dư luận bức xúc.
Sở Tài chính đề nghị điều chỉnh nội dung trách nhiệm tại quyết định “vô lý” của Hà Nội
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, hai tuần trước khi về hưu, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký một Quyết định mà hiện đang khiến cả bộ máy lãnh đạo mới của Hà Nội phải đối diện với các xung đột cả về pháp lý và đạo lý.
UBND tỉnh Hà Tây đã giao 182 hecta đất thuộc huyện Thanh Oai cho Cienco 5 Land từ 12 năm trước.
Theo Quyết định số 5269 ngày 25/11/2020, do ông Hùng ký, Hà Nội sẽ điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 (giao đất Khu đô thị Mỹ Hưng cho Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5): từ Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 thành Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5- CTCP nhưng thực tế, đây lại là hành động giúp Cienco 5 “tước đoạt” quyền sử dụng 182 hecta đất đã “danh chính ngôn thuận” là của Công ty Cổ phần địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land).
Đây được coi là Quyết định vô lý và thiếu cơ sở pháp luật, bởi 12 năm trước, UBND tỉnh Hà Tây đã giao 182 hecta đất thuộc huyện Thanh Oai cho Cienco 5 Land . Trong hợp đồng BT được ký kết năm 2008 và các hợp đồng kinh tế khác sau đó cũng xác định Cienco 5 Land là “chủ đầu tư” của dự án BT. Theo các hợp đồng này thì quyền và nghĩa vụ của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 đã cơ bản được chấm dứt đối với hợp đồng BT.
Cũng theo Hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ ngày 31/7/2008 giữa Cienco 5 và Cienco 5 Land ký về việc thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và Phụ lục Hợp đồng kinh tế số PL1-HDD872-BT/HĐ ký ngày 9/6/2010, nội dung Hợp đồng thể hiện rõ: “Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý đầu tư, xây dựng và kinh doanh Hợp đồng BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây”.
Theo đó, Cienco 5 Land có quyền và nghĩa vụ thực của doanh nghiệp dự án theo Hợp đồng BT và phải thanh toán cho Cienco 5 mức lợi nhuận khoán đã thỏa thuận, cùng toàn bộ các khoản phí mà Tổng Công ty này đã đầu tư vào dự án cho đến thời điểm ký Hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ.
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, đại diện Cienco 5 Land cho biết, Cienco 5 Land đã bỏ vốn làm 20,3km đường trục phía Nam (BT); đầu tư xây dựng hạ tầng hai Khu đô thị Thanh Hà (A & B); trả cho Hà Nội 510 tỷ đồng tiền sử dụng đất (ngoài phần tiền đã làm đường).
Cũng theo tìm hiểu, Cienco 5 Land còn phải trả 131,7 tỷ đồng “lợi nhuận khoán” mà bản chất là tiền “cò” cho Cienco 5. Và Cienco 5 Land từ lâu đã là một pháp nhân độc lập chứ không còn liên quan gì tới Cienco 5 nữa.
Cũng theo tìm hiểu được biết, tại Quyết định số 5269/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, tại Khoản c, Điều 3 có nêu rõ giao: “ Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải xác định giá trị dự án BT và các dự án đối ứng theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt, việc cân đối giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán và các nghĩa vụ tài chính khác phải thực hiện (nếu có).”.
Sau khi nghiên cứu, ngày 25/12/2020, Sở Tài chính đã có Văn bản số 8429/STC-TCĐT báo cáo UBND Thành phố Hà Nội. Theo đó, báo cáo nêu: “ Theo các quy định pháp luật hiện hành : Không có quy định Sở Tài chính là cơ quan xác định giá trị các dự án đối ứng theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt, việc cân đối giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán và các nghĩa vụ tài chính khác phải thực hiện (nếu có).
Sở Tài chính có nhiệm vụ phối hợp thẩm định phương án tài chính của đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; chủ trì hướng dẫn các nội dung liên quan công tác thanh toán, quyết toán công trình dự án hoàn thành theo quy định; chủ trì xác định chi phí giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền sử dụng đất của các dự án đối ứng theo quy định của Luật Đất đai làm cơ sở xác định giá trị quỹ đất thanh toán”.
Do vậy, Sở Tài chính đề nghị UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh Điểm c, Điều 3, Quyết định số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan như sau:
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác định giá trị quỹ đất thanh toán để báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố thẩm định làm cơ sở trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch và Kiến trúc, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội tham mưu điều chỉnh dự án đường trục Phía Nam theo quy định.
Sở Giao thông Vận tải (đại diện theo ủy quyền của UBND Thành phố) chủ trì, phối hợp các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch và Kiến trúc, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp cùng Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án rà soát, thương thảo ký phụ lục điều chỉnh Hợp đồng BT, trong đó rà soát thực| hiện đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Thông báo kết quả Kiểm toán ngày 14/10/2020 của Kiểm toán Nhà nước thông báo kết quả hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây…
Báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội cũng cho thấy nhiều vấn đề phức tạp cần được Hà Nội kiểm tra, xử lý tháo gỡ.
Cần làm rõ động cơ “tước đoạt” hàng trăm hecta đất của doanh nghiệp
Theo thông báo kết quả kiểm toán số 327/KTNN-TH về dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức Hợp đồng BT mà Báo điện tử Xây dựng có được. Theo đó, tại Khoản 3, mục chấp hành chế độ tài chính, kế toán nêu rõ: “Theo quy định tại Điều 3, Hợp đồng BT, Nhà Đầu tư có nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu bằng 10% vốn đầu tư dự án BT (tương đương 608 tỷ đồng), thời gian thực hiện dự án là 60 tháng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, Dự án BT đã bị chậm tiến độ khoảng 84 tháng nhưng dòng vốn của nhà đầu tư đã tham gia vào dự án BT mới chỉ đạt 165,413 tỷ đồng, trong đó bao gồm: Vốn góp cổ phần tại doanh nghiệp dự án là 20 tỷ đồng; trực tiếp thanh toán một số chi phí đầu tư là 145,413 tỷ đồng (tỷ lệ góp mới đạt 27,13% tổng vốn đã cam kết).
“Đến nay giá trị vốn cổ phần của nhà đầu tư tại Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 chỉ còn nắm giữ là 20 tỷ đồng/600 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 3% tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp)”, báo cáo nêu rõ.
Như vậy có thể thấy, nhà đầu tư (Cienco 5) đã không thực hiện đúng nghĩa vụ như đã ký kết, mà chỉ còn nắm giữ 3% tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp như báo cáo kiểm toán đã nêu. Điều này càng cho thấy Cienco 5 không có cơ sở đề xuất và càng không thể yêu cầu Hà Nội ra Quyết định “tước đoạt” hàng trăm hecta đất mà UBND tỉnh Hà Tây đã giao cho Cienco 5 Land từ 12 năm trước.
Cũng theo những cơ sở pháp luật mà Báo điện tử Xây dựng đã thông tin trước đó, theo Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/NĐ-CP năm 2004 thi hành Luật Đất đai, việc Hà Tây giao đất cho Cienco 5 Land năm 2008 là đúng với quy trình và các quy định pháp luật liên quan. Việc Cienco 5 Land đứng tên quyền sử dụng 182 hecta đất này còn thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật các hợp đồng kinh tế đã nêu. Hà Nội không thể sử dụng Luật Đất đai 2013 để “hồi tố”, trong khi Luật Đất đai 2013 không có quy định nào cho phép “hồi tố” việc này.
Từ những cơ sở pháp lý nêu trên có thể thấy, Ông Nguyễn Quốc Hùng càng không thể căn cứ yêu cầu của Cienco 5 để ra Quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất từ Cienco 5 Land sang Cienco 5, bởi Cienco 5 không còn chút quyền lợi và nghĩa vụ nào liên quan nữa. Đây rõ ràng là hành động bất chấp cả pháp lý và đạo lý.
Hành vi sử dụng quyền hành chính để “tước đoạt” hàng chục nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp giữa thanh thiên bạch nhật rõ ràng là chuyện không bình thường. Đây liệu có phải là việc “khách quan”, “công tâm” với một người vốn từng dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực này như ông Nguyễn Quốc Hùng hay thực chất chỉ là “cú chót” đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của các nhà đầu tư cũng như uy tín của Chính quyền Thành phố Hà Nội?
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Đặc biệt khi một số lãnh đạo mới phụ trách lĩnh vực, địa bàn của UBND Thành phố Hà Nội còn đang lúng túng, chưa biết vụ việc này trách nhiệm thuộc về ai và do ai xử lý. “Anh chỉ được phân công phụ trách địa bàn này, còn việc cụ thể là do Phó Chủ tịch khác phụ trách”, một vị Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vừa nhậm chức cho hay.
Trước Quyết định gây dư luận bức xúc nêu trên, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội sớm có cuộc thanh kiểm tra, rà soát và cần thiết tuyên hủy Quyết định 5269. Thành phố cũng nên làm rõ động cơ vì sao ông Nguyễn Quốc Hùng, trước khi về hưu, một người có kinh nghiệm như ông lại có “cú chót” vội vàng đến thế. Ông Hùng đã làm đúng thẩm quyền hay chưa hay còn có động cơ nào khác?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
*Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại
Kim Thoa – Mai Thu- Theo Báo Xây Dựng