Từ 1/1/2021: Chỉ được giao kết 2 loại hợp đồng lao động
Kinhte&Xahoi
Theo Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), chế định về hợp đồng lao động trong Luật Lao động 2019 có nhiều điểm mới, tăng tính thực tế và đáp ứng sự phát triển của quan hệ lao động trong xã hội.
Người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội
Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động
Từ ngày 1/1/2021, Luật Lao động 2019 quy định chỉ còn 2 loại: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn không quá 36 tháng.
Luật Lao động 2019 đã bỏ loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Bổ sung phương thức giao kết mới
Trong hình thức ký kết, Luật Lao động 2019 bổ sung thêm phương thức mới giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động
Luật quy định rõ các chủ thể giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động và người sử dụng. Đồng thời, Luật bổ sung nguyên tắc người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết.
Linh hoạt quy định về thử việc
Luật quy định hai bên có thể lựa chọn linh hoạt thử việc là một nội dung trong hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng thử việc riêng.
Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Luật cũng bổ sung quy định thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp.
Quyền đơn phương của người lao động
Luật Lao động 2019 cho phép người lao động chỉ cần thông báo trước cho người sử dụng một khoảng thời gian theo luật định, bỏ quy định về việc phải có 1 trong các lý do được liệt kê trong Luật.
Về thời hạn báo trước, Luật quy định là 45 ngày/30 ngày/3 ngày, tùy loại hợp đồng lao động đã giao kết. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ.
Luật cũng quy định 7 trường hợp không cần thông báo trước.
Quyền đơn phương của người sử dụng lao động
Luật Lao động 2019 bổ sung thêm 3 trường hợp liên quan tới quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, gồm: Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trừ trường hợp có thỏa thuận khác; người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên; người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động.
Về thời hạn báo trước, Luật cũng quy định: 45 ngày/30 ngày/3 ngày tùy loại hợp đồng lao động; đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ. Luật cũng quy định 2 trường hợp không phải báo trước.
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
Luật Lao động 2019 quy định tăng thêm thời gian từ 7 ngày lên 14 ngày làm việc để hai bên người lao động và người sử dụng lao động thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi mỗi bên, trường hợp đặc biệt vẫn giữ nguyên không quá 30 ngày.
Quy định bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH của người lao động, cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu và trả mọi chi phí sao gửi tài liệu.
Chỉ còn 1 hình thức tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
Luật Lao động 2019 đã bỏ thẩm quyền của thanh tra lao động trong việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Như vậy, từ ngày 1/1/2021, Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Bổ sung thêm trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động
Luật Lao động 2019 có thêm các trường hợp người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động sau: Người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác.
Hoàng Mạnh - Theo Dân Trí