Từ vụ cháy chung cư mini tại Thanh Xuân: Lo ngại tình trạng buông lỏng quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy

13/09/2023 19:13

Kinhte&Xahoi Vụ cháy chung cư mini tại số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm 12-9, với số người thương vong lớn, đang khiến người dân hết sức lo ngại về sự an toàn của các tòa nhà chung cư mini.

Đặc biệt, vào đầu năm học, nhu cầu thuê nhà của học sinh, sinh viên rất cao, hầu hết các căn hộ mini đều kín chỗ. Vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đang đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chung cư mini trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Danh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng:

Cần phạt nặng những cá nhân để xảy ra sai phạm

Chung cư mini - từng được coi là một giải pháp cho người nhập cư thành phố có nhà ở, đã trở thành hiểm họa cướp đi sinh mạng con người khi không được quản lý chặt chẽ từ khâu cấp phép xây dựng tới quá trình nghiệm thu PCCC, quản lý, vận hành.

Để tối đa hóa lợi nhuận, nhiều công trình dạng này xây sai phép, quá số tầng, chia diện tích, số lượng các căn hộ trong một tầng nhiều hơn giấy phép xây dựng được cấp…

Giá chung cư nội đô mỗi ngày một đắt, người nhập cư, người lao động bình dân thêm khó khăn nên nếu không ở chung cư mini, họ biết ở đâu khi các khu vực Gia Lâm, Tây Mỗ, giá chung cư cũng bị đẩy lên 50-90 triệu đồng/m2, vượt quá xa mức thu nhập ít ỏi của họ. Đó cũng là nguyên nhân khiến vấn nạn chung cư mini mọc lên như nấm sau mưa.

Cần làm rõ ai đã đứng sau “bảo kê” cho những chung cư mini trong những con ngõ nhỏ sâu hút được xây vượt tầng, mật độ căn hộ dày đặc, bất chấp những quy định về trật tự xây dựng và PCCC?

Từ vụ việc này, thành phố cần sớm rà soát, kiểm tra tổng số chung cư mini trên địa bàn; phạt nặng những cán bộ để xảy ra sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng và PCCC. Thậm chí, cần dừng ngay việc cấp phép xây dựng chung cư mini trước khi xảy ra những vụ việc tương tự.

Ông Trần Quang Dũng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm:

Hệ thống PCCC “có như không”

Đêm qua, khi hay tin vụ cháy tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, tôi thắc thỏm cả đêm không sao ngủ được. Vừa hết sức đau lòng, vừa lo lắng vì nhà tôi cũng ở gần chung cư mini.

Chung cư mini hầu hết là nhà hình ống, diện tích nhỏ với một mặt tiền và đây cũng là lối thoát hiểm duy nhất. Các tòa nhà chung cư mini lại chủ yếu nằm sâu trong ngõ nhỏ, quy mô từ 5-10 tầng và xen kẽ trong khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nên cũng do họ tự quản lý.

Trong vài năm trở lại đây đã xảy ra không ít vụ cháy tại các chung cư mini, nhưng loại nhà này vẫn mọc lên nhiều người thuê chung cư mini phần nhiều là sinh viên và lao động thu nhập thấp, xa quê nên dù biết chật chội, nguy hiểm, họ vẫn phải thuê vì phù hợp điều kiện thu nhập, tiện đi lại, học hành của con cái và bản thân…

Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, phương tiện PCCC đã được chủ nhà trang bị, nhưng vẫn chỉ mang tính hình thức, đối phó và không được bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên nên nhiều vật dụng PCCC đã hỏng và hết hạn sử dụng. Đặc biệt, hệ thống cảnh báo cháy, báo khói tại các tòa chung cư mini hầu như chỉ được trang bị kiểu “có như không”.

Trong khi đó, hầu hết không được phổ biến kỹ năng phòng, chống cháy nổ, xử lý tình huống khi có cháy xảy ra, nên gặp sự cố, người dân hoảng loạn, lúng túng dẫn đến tỷ lệ thương vong cao.

Bà Phan Thị Hải, số 156 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, Đống Đa:

Chung cư mini làm gia tăng nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư

Những năm gần đây, chung cư mini phát triển nhiều dẫn đến nguy cơ cao cháy, nổ trong khu dân cư, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị.

Khi xây dựng chung cư mini, nhiều chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở của pháp luật, núp bóng xin cấp phép xây dựng nhà ở hợp pháp, sau đó tự ý xây dựng công trình theo kiểu nhiều tầng và phân chia nhiều căn hộ mà không tuân thủ các quy định, quy chuẩn theo giấy phép xây dựng được cấp.

Vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân đêm qua là mất mát, thiệt hại vô cùng lớn, cần phải nhìn nhận lại về công tác quản lý, nhất là công tác PCCC. Công tác kiểm tra, giám sát cũng cần phải được quan tâm để kịp thời xử lý các khung sắt, vật dụng cản trở lối thoát hiểm, bởi các chung cư mini đều xây theo kiểu khép kín, ban công được gia cố khung sắt kiên cố, thậm chí không có ban công. Vì thế, nếu xảy ra hỏa hoạn thì việc thoát khỏi chung cư mini hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Phương, Khu nhà ở quân đội K35 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai:

Tận dụng "thời gian vàng" để thoát nạn

Trong vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, tôi thấy có tình tiết mọi người cần lưu ý, đó là việc anh Nguyễn Công Huy, sống tại tầng 3 chung cư, khi gia đình chuẩn bị đi ngủ, phát hiện cháy, khói lửa bốc lên ngùn ngụt từ tầng 1 tòa nhà, anh đã thả thang dây từ ban công tầng 3 xuống, đưa mọi người thoát ra ngoài an toàn.

Còn gia đình chị Trang, cũng là một hộ dân sống tại tầng 6 chung cư này cho biết, ngay sau khi biết xảy ra cháy tại khu vực để xe tầng 1 tòa nhà, chồng chị mở cửa nhưng thấy khói đen tràn vào phòng, đã nhanh trí dùng búa phá khung sắt lan can, sau đó dùng thang bắc sang nhà hàng xóm để đưa vợ và 2 con thoát ra ngoài an toàn.

Cả hai trường hợp trên, thời gian thoát ra ngoài đám cháy chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Điều này cho thấy, trong quá trình sinh sống, một số người có hiểu biết về PCCC đã quan sát rất kỹ nơi mình ở và tự tìm cho mình phương án dự phòng, lên kế hoạch xử lý tình huống từ trước khi xảy ra hỏa hoạn.

Trong bối cảnh các chung cư mini và cả nhà dân, đặc biệt là những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ ngách, thì mỗi người dân càng phải nêu cao tinh thần cảnh giác với “giặc lửa”, chủ động tìm cách tự cứu mình.

Ông Trần Trí Dũng, ngõ 154 phố Ngọc Lâm, quận Long Biên:

Sớm chuyển đổi các khu nhà tái định cư bỏ không thành tòa nhà cho thuê

Tháng trước, đến thăm người thân đang thuê trọ tại một căn chung cư mini trên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn đối diện Dốc Tam Đa, tôi không khỏi lo sợ. Tòa nhà này nằm trong một con ngõ nhưng mặt tiền chỉ rộng khoảng 5m. Tầng 1 được dành bố trí làm nơi để xe máy, xe đạp, toàn bộ thang máy và thang bộ được đẩy vào góc trong cùng. Sảnh căn hộ rất nhỏ và luôn phải thắp đèn giữa ban ngày vì ánh sáng Mặt trời không thể chiếu đến. Các căn hộ được bố trí theo chiều dọc của ngôi nhà, mỗi căn chỉ rộng 18-25m2.

Xung quanh khu chung cư này đều là nhà dân và không có đường thoát hiểm. Trường hợp xảy ra cháy nổ tại tầng 1, chắc chắn người dân chỉ còn cách duy nhất là chạy lên phía trên vì toàn bộ thang máy, thang bộ đã bị bãi gửi xe “bịt” kín.

Những khu chung cư mini như vậy không thể đáp ứng quy định về PCCC, nhưng tại sao vẫn được hoạt động công khai, vẫn có tỷ lệ cho thuê lấp kín? Đây là những câu hỏi cơ quan quản lý cần làm rõ.

Cũng từ vụ cháy chung cư mini cho thấy, nhu cầu về nhà ở của một bộ phận người dân có thu nhập thấp là rất lớn. Trong khi đó, hàng chục tòa nhà tái định cư trên địa bàn thành phố đang bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, gây lãng phí về tiền của.

Nên chăng, thành phố cần sớm kiến nghị, đề xuất chuyển đổi các khu nhà tái định cư bị bỏ không này thành các tòa nhà cho thuê, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nơi ăn chốn ở ổn định.

 Nhóm PV- Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/tu-vu-chay-chung-cu-mini-tai-thanh-xuan-lo-ngai-tinh-trang-buong-long-quan-ly-trat-tu-xay-dung-va-phong-chay-chua-chay-640792.html