Ung dung bán thuốc bảo vệ thực vật chứa chất gây ung thư sau lệnh CẤM

02/09/2021 08:55

Kinhte&Xahoi Việt Nam và thế giới đang tẩy chay hoạt chất gây ung thư Glyphosate thế nhưng một vài nơi ở nước ta vẫn len lỏi bán thuốc diệt cỏ chứa chất độc này ra ngoài thị trường.

Phát hiện cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật bán sản phẩm chứa chất cấm

Cục Quản lý Thị trường (QLTT) Gia Lai thông tin, ngày 24/8, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Gia Lai kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật PN (địa chỉ xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Phát hiện cửa hàng có bán thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate là hoạt chất không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Cơ quan chức năng đã xử phạt 7,5 triệu đồng của hàng bán sản phẩm chứa chất Glyphosate. Ảnh Cục QLTT Gia Lai

Sản phẩm sai phạm có nhãn hiệu Haihadup 480SL số lượng 10,8 lít (12 chai x 900ml/chai) chứa chất cấm Glyphosate do Công ty Cổ phần GenTa Thụy Sỹ (địa chỉ 34 đường 6B Khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) phân phối và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, có chứa thành phần Glyphosate.

Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, đồng thời ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật theo quy định.

Hậu quả trước mắt

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ 1/7/2021, hoạt chất thuốc trừ cỏ Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng tại Việt Nam...

Theo một số tài liệu cho thấy, thuốc trừ cỏ nói chung và Glyphosate và Paraquat nói riêng gây ngộ độc mạn tính, khi thuốc ngấm vào người qua hít thở hoặc tiếp xúc qua da hay từ dư lượng trong nông sản… sẽ ngấm dần đến một thời điểm nào đó sẽ phát sinh bệnh, có thể gây ung thư.

Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế thế giới công bố, hoạt chất Glyphosate (Roundup Ready crops) là hóa chất có khả năng gây ung thư nhóm 2A. Vì vậy, ngày 10/4/2019 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chính thức ban hành quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Liên quan đến việc sử dụng hoạt chất Glyphosate vào đầu tháng 7/2021 Công ty Dalat Hasfarm phải đổ bỏ hàng trăm ngàn cành hoa do không được phép sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm trước khi xuất khẩu sang thị trường Úc.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nhiều nước đã cấm hoặc đang có lộ trình cấm hoạt chất này. Với sản phẩm cà phê xuất khẩu sang thị trường EU có dư lượng cho phép gần như bằng 0 và lộ trình EU sẽ cấm hoạt chất này trong cà phê. Hiện nay, để hướng tới xuất khẩu cà phê sang EU bền vững, Việt Nam đang được Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) hỗ trợ trồng cà phê bền vững và không sử dụng Glyphosate.

Trong Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa ra quy định, các thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021 tại Việt Nam. Quá thời hạn này, các doanh nghiệp còn tồn đọng sản phẩm có chứa hoạt chất này buộc phải thực hiện tiêu hủy theo các quy định hiện hành.  

Thực tế thì…

Nói là chất cấm thế nhưng hiện tại trên website: nongdanbinhthuan.com vẫn đăng tải thông tin hình ảnh kinh doanh nhiều sản phẩm thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, trong tình trạng còn hàng bao gồm các nhãn hiệu:

Những sản phẩm chứa hoạt chất Glyphosate trên nongdanbinhthuan.com

1) Thuốc cỏ Khai Hoang VIFOSAT 480SL (Hoạt chất: Glyphosate IPA salt 480gr/l) do Công ty TNHH SX – TM Tú Anh địa chỉ 719 Quốc lộ 22 Củ Chi - TP Hồ Chí Minh phân phối.

2) Thuốc cỏ MAXER 660SL (Potassium salt of Glyphosate: 660g/l Dung môi, phụ gia vừa đủ 1 lít) do Công ty TNHH Bayer Việt Nam (118/4 KCN Amata Biên Hòa, Đồng Nai) nhập khẩu và phân phối.

3) Thuốc trừ cỏ HAIHADUP 480SL (Hoạt chất: Glyphosate IPA salt 480gr/l)  phân phối bởi Công ty TNHH MTV Mạnh Đan.

4) Thuốc trừ cỏ trợ lực thảo mộc Biogly 88.8 SP (Hoạt chất: Glyphosate ammonium) do Công ty TNHH Nông Sinh địa chỉ thôn An Sơn 2, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội đóng gói và phân phối.

Không những vậy trên website: vtnnkhuya.com còn đăng tải, kinh doanh 08 nhãn hiệu chứa chất cấm Glyphosate tại thị trường Việt Nam:

Những sản phẩm chứa hoạt chất Glyphosate trên vtnnkhuya.com

1) Thuốc trừ cỏ Glyphosan 480SL (Hoạt chất: Glyphosate IPA: 480 g/L) do Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời địa chỉ 72 Nguyễn Cơ Thạch, Quận 2, TP HCM phân phối.

2) Thuốc trừ cỏ Lyphoxim 41SL SPC loại 1 lít,480ml và 100ml (Hoạt chất: Glyphosate isopropylamine salt 41%. Dung môi, phụ gia 59%) Công Ty CP Bảo Vệ Thực Vật Sài Gòn địa chỉ KP1, đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm đăng ký và phân phối.

3) Thuốc trừ cỏ Carphosate 480SL 500ml Khai Hoang (Hoạt chất: Glyphosate Isopropylamine salt: 480g/lít, phụ gia).

4) Thuốc trừ cỏ không chọn lọc ADC Confore 480SL (Hoạt chất: Glyphosate IPA Salt 480g/lít, phụ gia) do Công ty TNHH ADC phân phối.

5) DOSATE 480SC (Hoạt chất: Glyphosate Isopropylamine salt: 480gam/lít) sản xuất và phân phối bởi Công ty CP Đồng Xanh địa chỉ đường Số 3, Đức Hòa Đông, Đức Hòa, Long An.

6) Thuốc trừ cỏ Galop 410SL (Hoạt chất: Glyphosate IPA  480g/l) phân phối bởi Công ty CP khử trùng Việt Nam địa chỉ số 29 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

7) Thuốc trừ cỏ Glyphadex (Hoạt chất: Glyphosate acid: 360g/lít, tương đương 480G muối/lít) đăng ký, sản xuất và phân phối bởi Công ty TNHH BACONCO địa chỉ Ấp Phú Mỹ, Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, phường Tân Thành, TP Vũng Tàu.

8) Thuốc trừ cỏ Maxer 660SL (Hoạt chất: Potassium salt of Glyphosate: 660g/l; Dung môi, phụ gia vừa đủ 1 lít) nhập khẩu và phân phối bởi Công ty TNHH Bayer Việt Nam.

Các đơn vị sản xuất nói gì?

Để khách quan thông tin, PV đã liên hệ tới các số điện thoại website trên những người này cho biết những sản phẩm chứa hoạt chất Glyphosate đã bị cấm chúng tôi không bán nữa. Tuy nhiên, nói chuyện một lúc người trả lời số hotline nongdanbinhthuan.com cho biết: “Biogly 88.8 SP chị lấy nhiều không? Lấy mấy thùng còn bao nhiêu em bán hết không lấy nữa...”.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Nông Sinh nơi đóng gói và phân phối Biogly 88.8 SP (Hoạt chất: Glyphosate ammonium) cho biết: “Hàng Biogly 88.8 SP vẫn còn do tình hình dịch một số đại lý không luân chuyển được hàng hóa đi lại, hiện nay hàng Biogly cấm nhập. Trước đây, công ty nhập hàng Biogly rất nhiều ký gửi ở các đại lý bây giờ dịch không lấy ra được. Còn hàng mới nhập thì không có, hiện công ty có hàng mới Cỏ cháy sinh học NOSIQUAT 0.2SL (Hoạt chất: 1.8-Cineole) hoạt chất này chỉ duy nhất công ty có, đây là nghiên cứu của công ty…”.

Khi liên hệ tới Công ty TNHH BACONCO sản xuất và phân phối thuốc trừ cỏ Glyphadex công ty này trả lời: “Hàng cũ hiện tại hết rồi, có gốc mới Glufosinate thay thế cho Glyphosate …”.

Cũng theo đại diện Công ty CP Đồng Xanh xác nhận: “Mặt hàng DOSATE 480SC (Hoạt chất: Glyphosate Isopropylamine salt: 480gam/lít) cấm lâu rồi hiện tại không còn”. Bên cạnh đó Công ty TNHH SX – TM Tú Anh cho biết: “Hiện mặt hàng VIFOSAT 480SL (hoạt chất: Glyphosate IPA salt 480gr/l) hết rồi, xe cộ đi cũng không lưu thông được”.

Do vậy, khi thế giới đã loại bỏ hoạt chất Glyphosate có khả năng gây ung thư nhóm 2A này ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để thay thế bằng những hoạt chất khác đảm bảo an toàn hơn cho con người và môi trường như Glufosinate,… Thế nhưng trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam đang được đăng bán tràn lan, khó kiểm soát các sản phẩm chứa hoạt chất Glyphosate trong thuốc diệt cỏ.  Hiểu được tác hại khi dùng một sản phẩm đã bị cấm, hơn ai hết người dân cần chủ động bài trừ các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hoạt chất độc hại Glyphosate bằng cách không sử dụng và trình báo tới cơ quan chức năng gần nhất khi phát hiện.

Bên cạnh đó các đơn vị liên quan cần vào cuộc rà soát toàn bộ sản phẩm danh mục thuốc bảo vệ thực vật loại bỏ những thuốc có hoạt chất ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường là vấn đề cấp bách.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Đào Xuân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/ung-dung-ban-thuoc-bao-ve-thuc-vat-chua-chat-gay-ung-thu-sau-lenh-cam-d164972.html