Ứng Hòa, Hà Nội: Một biệt thự có dấu hiệu xây dựng sai quy hoạch trên 16 ô đất đấu giá

27/05/2022 12:06

Kinhte&Xahoi Thông tin về một biệt thự trên khuôn viên rộng cả ngàn m2 tại thôn Nam Chính, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, lãnh đạo địa phương cho biết, chủ sử dụng khu đất là một cụ bà đã trên 80 tuổi do đã mua trúng đấu giá tổng cộng khoảng 16 thửa đất từ năm 2018…

Biệt thự 3 tầng nổi bật tại thôn Nam Chính (nhìn từ phía sau)

Theo quan sát của phóng viên, biệt thự trên được xây dựng trên khuôn viên đất khá vuông vức với 3 mặt tiền (một mặt ngõ, hai mặt đường liên thôn) tại đầu thôn Nam Chính. Với 1 tòa biệt thự có chiều cao 3 tầng, thiết kế khá hiện đại nằm trong khuôn viên sân vườn có nhiều cây cảnh cao lớn, kế đó là 3 gian nhà mái ngói kiểu cổ và hệ thống cổng, hàng rào kiên cố…khiến cho tổng thể công trình trông khá hoành tráng, nổi bật giữa vùng nông thôn xã Minh Đức.

Thông tin về khu biệt thự “khủng” trên, ông Dương Văn Đãi, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết, khu đất vốn là đất công, đất công ích (5%) của xã nhưng đã được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở để tổ chức bán đấu giá từ năm 2018-2019. Việc quy hoạch khu dân cư và chuyển mục đích sử dụng đất do huyện Ứng Hòa thực hiện, xã chỉ đề xuất địa điểm khu đất để tiến hành đấu giá với mong muốn có vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Cổng chính vào khuôn viên biệt thự

Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là việc, tuy việc đấu giá được lãnh đạo địa phương cho là “công khai” nhưng không hiểu sao, đã chỉ có một người mua trúng đấu giá toàn bộ các thửa đất trong khu đất trên

Thông tin về việc này, ông Dương Văn Đãi cho biết, khu đất được quy hoạch tổng cộng khoảng 16 thửa đất, mỗi thửa rộng khoảng 100m2. Người duy nhất trúng đấu giá tất cả các thửa đất trên là cụ V. (năm nay trên 80 tuổi, người thôn Nam Chính).

Khu đất nhìn từ trên cao (thời điểm chưa có công trình)

“Cụ thể diễn biến buổi đấu giá như thế nào, tôi không biết vì việc đấu giá đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ứng Hòa thực hiện, có thuê một công ty đứng ra tổ chức buổi đấu giá công khai. Tôi còn thấy xe chạy dọc huyện phát thông báo đấu giá... Sau này, địa phương cũng có một số dự án đấu giá đất nhưng không có trường hợp nào một người mà trúng nhiều lô đất như vậy”- ông Đãi thông tin thêm

Khi được hỏi về việc xây dựng nhà và công trình liền kề theo kiểu “gộp thửa” trên toàn bộ khuôn viên của 16 thửa đất nêu trên có đúng quy định hay không, ông Đãi cho hay, “thông thường, việc xây dựng nhà ở trên địa bàn nông thôn thì được miễn cấp phép xây dựng.

Còn trường hợp này, chúng tôi cũng không biết việc xây dựng và ghép thửa trong khu đất nêu trên có cần cấp phép hay không; cũng không biết bà V có được cấp phép xây dựng hay chưa. Trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng trên địa bàn thuộc về lực lượng thanh tra xây dựng của huyện. Xã chỉ phối hợp và hiện chúng tôi cũng chưa nhận được thông báo gì của lực lượng thanh tra xây dựng về trường hợp xây dựng tại thửa đất này”.

Cổng phụ vào khuôn viên biệt thự

Ngoài ra, ông Đãi cũng khẳng định, “Sau khi mua trúng đấu giá, bà V đã được Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng trường hợp này thì thửa nào phải riêng thửa đó chứ không thể gộp chung được…Đã có quy hoạch rồi thì không thể gộp thửa được”

Đồng quan điểm này, một số Luật sư cũng cho rằng, việc sử dụng đất, gộp thửa hoặc tách thửa đối với 16 thửa đất nêu trên cần phải tuân thủ đúng quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức đấu giá. Như vậy, việc xây dựng kiểu “gộp thửa” nêu trên có dấu hiệu sai phạm bởi không tuân thủ quy hoạch đã được duyệt.

Khu đất có 3 mặt tiền, ngay cạnh ngã tư đường liên thôn.

Đồng thời, Luật sư cũng cho rằng, Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (quy định có hiệu lực tại thời điểm năm 2019) đã quy định một số trường hợp được “miễn giấy phép xây dựng” tại nông thôn, trong đó có “nhà ở riêng lẻ ở nông thôn”. Tuy nhiên, “nhà ở riêng lẻ” ở đây được định nghĩa là “công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật”, tức là công trình phải được xây dựng trong khuôn viên của thửa đất chứ không phải công trình xây “ghép thửa” với diện tích thửa bên cạnh, không đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Để làm rõ hơn về quá trình quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, tổ chức đấu giá, quản lý trật tự xây dựng…tại khu đất trên, Phóng viên Báo Pháp luật đã liên hệ với UBND huyện Ứng Hòa và được cơ quan này cho biết, sẽ yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất xem xét, tham mưu để huyện trả lời bằng văn bản.

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về nội dung trả lời của địa phương về vụ việc trên.

 K. Nguyên - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/ung-hoa-ha-noi-mot-biet-thu-co-dau-hieu-xay-dung-sai-quy-hoach-tren-16-o-dat-dau-gia-d182640.html