Không nên kì thị phương tiện công cộng
Khi các phương tiện công cộng hoạt động lại sau những ngày giãn cách bà Phương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhất định không chịu sử dụng nữa. Bà cho rằng xe bus là “ổ” chứa virus, đông người lên, xuống, đến từ các nơi khác nhau, rất khó để biết họ có chứa mầm bệnh hay không.
Ngày trước, bà Phương tháng đôi lần về quê Phú Xuyên (Hà Nội). Người già, thời gian chả vội, lại được miễn phí tiền xe, cứ có thẻ là lên ngồi, lắc lư tầm gần hai tiếng là đến nơi. Xuống xe, bà đi bộ tầm trăm mét nữa về đến nhà chị gái. Rỗi rãi thì bà Phương ở lại chơi một, hai ngày, không thì sáng đến chiều về. Lúc về nào rau sạch nào hoa trái, cứ bó gọn vào túi xách lên ăn đủ cả tuần nên bà thích đi xe bus lắm.
Trên xe bus người dân ngồi giãn cách đúng vị trí cho phép
Vậy mà, giờ đây bà ít về quê hẳn. Vừa để hạn chế đi lại, vừa ngại tốn tiền. Không đi xe bus nữa thì phải có người chở. Đi xe máy thì đau lưng mà đi taxi thì lương hưu không gánh được. Không những bản thân không đi, bà còn gàn không cho cháu ngoại đi.
Cô cháu gái của bà đang đi làm tại một công ty về xuất nhập khẩu. Từ nhà đến công ty chỉ mất hai chặng xe bus, rất thuận tiện nhưng bà cứ kiên trì thuyết phục cháu đi xe máy… cho an toàn. Cô cháu gái hoảng hốt: “Bà ơi, bao lâu nay cháu có đi xe máy nữa đâu, từ ngày bị tai nạn gãy tay đến giờ cứ trèo lên xe là cháu sợ. Hơn nữa, tay lái yếu, đường thì đông, cháu đi không quen, nhỡ va chạm vào ai hoặc bị ai đâm vào còn nguy hiểm hơn”.
Con gái và con rể bà Phương vừa lo cho con gái nhưng cũng không biết giải quyết sao, không thể ngày nào cũng chở con đi làm nhưng cũng không thể để bà Phương nói mãi. Cô cháu gái thì rất bình tĩnh. Nhiều năm đi xe bus cô đã có kinh nghiệm.
Cô giải thích với bà: “Bà lâu rồi không đi không biết, bây giờ xe bus người ta làm nghiêm lắm. Giờ cao điểm mà đủ số người ngồi trên ghế rồi có khi người ta không nhận thêm người lên nữa. Ngồi trên xe cũng phải đảm bão giãn cách, ngồi đúng số ghế quy định chứ không phải đông san sát như trước đâu bà ạ. Xe cũng không bật điều hòa, mở cửa thông gió để đảm bảo thoáng khí.
Chưa kể, ai lên xe các anh, các chú phụ xe cũng ghi lại tên họ, số điện thoại, địa chỉ để tiện theo dõi. Đấy là các ông bà không dùng điện thoại thông minh, không có mạng internet. Chứ như bọn cháu là phải quét mã QR hết, yên tâm lắm bà ạ”.
Một thời gian sau, thấy cô cháu vẫn đi làm đều bằng xe bus, bà Phương không còn nói gì nữa. Lại thêm thấy không có ca lây nhiễm cộng đồng nào từ xe bus nên bà lại tiếp tục về quê bằng phương tiện này. Chỉ có điều khi việc cần thiết bà mới về. Bà Phương đã nhận ra, ai cũng như bà, sợ phương tiện công cộng mà sử dụng xe cá nhân thì còn gây quá tải thêm cho đường xá, mang đến nhiều nguy cơ về tai nạn, nhất là giao thông cuối năm phức tạp.
Có chừng mực để cuộc vui được lâu
Ở xu hướng ngược lại với người già, giới trẻ ở Hà Nội những ngày thời tiết đẹp như thế này túc tắc rủ nhau đi check-in tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Không còn ồn ào, đông đúc như những ngày đầu mới khai trương, những ngày thường, người có nhu cầu đi lại thực sự và người không bị giới hạn về thời gian mới đến đây. Chính vì thế, không gian này là địa điểm mới, rất hấp dẫn cho những ai muốn trải nghiệm, khám phá một công trình mới của Thủ đô.
Việc quét mã QR cũng đảm bảo nghiêm ngặt
Có lẽ, ai cũng hào hứng, háo hức với công trình mới, lần đầu tiên có tại Việt Nam nên rất nhiệt tình chụp ảnh tại đây. Điều này cũng tốt, vừa góp phần quảng bá phương tiện công cộng mới của Hà Nội vừa thể hiện sự nhanh nhạy, xu hướng đón đầu của giới trẻ. Ngược lại, vui thì cũng nên có chừng mực để mỗi cuộc chơi được lâu.
Vì đi để trải nghiệm, check-in, chụp ảnh nên một số bạn trẻ rủ nhau theo nhóm. Ảnh đeo khẩu trang thì sợ không ai nhận ra mặt mình nên đã có bạn bỏ hẳn khẩu trang ra để chụp. Điều đáng nói là, nếu chỉ bỏ ra chốc lát rồi đeo vào ngay thì còn có thể chấp nhận được. Đôi chỗ vẫn có những bạn đã đi đông, mải vui lại thấy vắng vẻ nên chủ quan, bỏ khẩu trang chụp đủ bộ ảnh ưng ý mới thôi.
Trong cuộc vui ấy, các bạn trẻ có thể còn mang theo đồ ăn, thức uống. Khi ăn uống, cười đùa giữ chừng mực, không gây ồn ào ảnh hưởng đến người khác đã đành mà khi dùng xong, rác thải của những thứ này cũng nên được gói ghém cẩn thận, chớ để phơi trần ống hút, thức ăn giở ra, tránh nguy cơ vi khuẩn, virus phát tán trong không khí.
Trong khi những ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tăng cao mỗi ngày thì bất cứ nơi đâu cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Không ai có thể chắc chắn khu vực này hay khu vực khác, nhóm người này có thể có virus SARS-CoV-2 trong người không. Chính vì thế, việc phòng, chống dịch cho bản thân, cho cộng đồng vẫn nên được chú trọng.
Để niềm vui mừng có thêm địa điểm mới, thêm phương tiện công cộng mới của Thủ đô được kéo dài lâu và trọn vẹn, không bị nhiễm Covid-19 từ cộng đồng, nên chăng không chỉ các bạn trẻ mà tất cả mọi người sử dụng các phương tiện công cộng dù với mục đích gì thì khi trên xe bus, trên tàu, tại bến xe, nhà ga cũng đều nên nâng cao ý thức. Giữ gìn cho chính bản thân mình và mọi người, thực hiện 5K, không vứt rác bừa bãi, đảm bảo vệ sinh chung. Có như thế dịch bệnh mới được đẩy lui, cuộc sống trở lại bình thường cho chúng ta hưởng trọn vẹn niềm vui của cuộc sống.
Hương Thu - TTTĐ