Út "trọc" và những quái chiêu trong việc giả mạo hồ sơ

16/04/2019 08:53

Kinhte&Xahoi Vi phạm luật doanh nghiệp, giả mạo hồ sơ, chiếm dụng vốn... đó là những sai phạm nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn

Ngày 11/4/2019, Thanh tra Chính phủ đã ban thành Thông báo số 531/TB-TTCP Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng (Q.P).

Theo đó Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.

Ảnh minh họa

Hàng loạt sai phạm tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng đã được chỉ ra.

Vi phạm luật Doanh nghiệp trong việc góp vốn thành lập Công ty

Ngày 5/8/2009, Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 823/QĐ-TS về việc góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trị giá 10.200 triệu đồng, tương đương 51% vốn điều lệ. Trong đó ủy quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ, Phó Tổng giám đốc đại diện quản lý 21% vốn điều lệ và ông Cung Đình Minh, Tổng giám đốc quản lý 30% vốn điều lệ của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 16 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Thái Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP ngày 22/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 2013, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung tăng vốn điều lệ từ 20.000 triệu đồng lên 120.000 triệu đồng, theo đó, số tiền tương ứng Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn là 24.000 triệu đồng. Thực tế, đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty Thái Sơn đã đăng ký góp gốn với tổng số tiền là 34.200 triệu đồng nhưng không thực góp. Việc làm này là vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 11 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 về việc góp vốn điều lệ theo thời hạn đăng ký kinh doanh.

Mặt khác, theo sổ sách kế toán của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, tại thời điểm tăng vốn điều lệ năm 2013 từ 20.000 triệu đồng lên 120.000 triệu đồng vằng tiền mặt (do các cá nhân gồm: bà Lê Thị Thảo góp 37.200 triệu đồng, và Vũ Thị Hoa góp 41.400 triệu đồng, và Vũ Thị Hoan góp 41/400 triệu đồng). Việc góp vốn điều lệ không đúng và đủ theo thời hạn đăng ký kinh doanh là vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 11, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, theo đó, việc thực hiện góp vốn bằng tiền mặt, không phát sinh giao dịch bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng là thiếu khách quan và minh bạch.

Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, công ty mà Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ từng giữ vị trí lãnh đạo. 



Chuyển nhượng vốn góp trái quy định

Cụ thể: Lần 1 chuyển nhượng 31% cổ phần tại Công ty Thái Sơn Bộ QP

Theo Quyết định số 1658/QĐ-TS ngày 28/11/2012 của Chủ tịch Tổng công ty Thái Sơn về việc chuyển nhượng số cổ phần nói trên tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cho cá nhân là bà Lê Thị Thảo trị giá 6.400 triệu đồng.

Việc ký hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện cùng ngày 28/11/2012, sau đó được bà Thảo nộp bằng tiền mặt và ghi tăng phần vốn góp của bà Thảo tương ứng tỉ lệ và giá trị nhận chuyển nhượng tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P Kiểm tra thấy: Việc chuyển nhượng cổ phần không có Biên bản họp Đại hội cổ đông, thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, không đúng như thỏa thuận thanh toán bằng chuyển khoản. Việc làm này là vi phạm quy định tại Điều 6, Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 về thanh toán bằng tiền mặt.

Lần 2 chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại

Theo Quyết định số 969/QĐ-TS ngày 2/10/2017 của Chủ tịch Tổng công ty Thái Sơn về việc chuyển nhượng toàn bộ 20% cổ phần còn lại với giá trị chuyển nhượng là 25.200 triệu đồng, cũng được bán chỉ định (không thông qua đấu giá công khai) cho bà Lê Thị Thảo đang là cổ đông hiện hữu theo Hợp đồng chuyển nhượng ngày 5/10/2017, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13, nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước.

Như vậy việc Tổng Công ty Thái Sơn chuyển nhượng, thanh toán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch; Tổng công ty Thái Sơn chưa làm đúng vai trò Chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, trong đó có nhiệm vụ thanh kiểm tra và đánh giá Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty theo quy định tại Khoản 7 Điều 16, Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP ngày 22/1/2007 của Bộ Quốc phòng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…