Do đại dịch, trẻ em bị ảnh hưởng cả thể chất lẫn tinh thần
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính đến nay, số lượng trẻ dưới 16 tuổi mắc Covid-19 được ghi nhận là 3.052 trường hợp. Riêng ngày 23/8/2021, khi thành phố bắt đầu xét nghiệm diện rộng, 809 F0 là trẻ nhỏ đã được ghi nhận.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết, trẻ em thường là nhóm không có triệu chứng, biểu hiện nhẹ khi nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu rơi vào nhóm có bệnh lý.
Một bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 6 để điều trị COVID-19.
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã ghi nhận một số bệnh nhi nhỏ tuổi mắcCOVID-19 diễn biến nặng. Các bé có tình trạng nặng thường mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, phổi mạn tính, tiểu đường, mạch vành, thiếu hụt miễn dịch như HIV... Ngoài ra, bệnh lý thiếu kháng thể, hội chứng Down, bệnh lý thần kinh, huyết học, thiếu máu não, ghép tạng, ung thư, bệnh viêm hệ thống... thường có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19 ở trẻ.
Theo Bộ Y tế, tính từ ngày 05/7/2021 đến 30/7/2021 có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ em từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 trẻ em.
Trẻ nhiễm nCoV từ đâu? Câu hỏi này đã được bác sĩ Nguyễn Minh Tiến trả lời, theo đó TP.HCM trải qua thời gian giãn cách xã hội dài, trẻ nhỏ chỉ ở nhà, tuy nhiên, các bé vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh từ người lớn. Đa số bé lây nhiễm SARS-CoV-2 từ cha mẹ và người chăm sóc trẻ, giúp việc trong gia đình.
Khi số lượng F0 trong cộng đồng tăng cao, người lớn đi làm, đi chợ, tiếp xúc nhiều nguồn lây, sau đó về nhà và lây nhiễm cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, một số nguồn lây từ người giúp việc theo giờ, thợ sửa điện, nước... cũng có thể vô tình khiến trẻ bị nhiễm. Tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương, COVID-19 đã bắt đầu xâm nhập vào các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung, nguy cơ lây lan sang nhiều em khác.
Bên cạnh thực trạng trẻ nhiễm COVID-19, ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều trẻ em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm COVID-19. Trong và sau đại dịch, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng...
Khảo sát của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam cho thấy, các gia đình thường xuyên ở nhà cùng nhau, 48% trẻ em bị mắng, khoảng 8% bị đánh, 32,5% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, quan tâm trong thời gian này.
Kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại dịch đến trẻ em
Hiện nay, các chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi đã và đang được triển khai nhanh chóng, kịp thời, trên 108 nghìn người lớn và trẻ F1 được hỗ trợ tiền ăn với gần 116 tỷ đồng.
Ngay từ tháng 4/2020, 13 đầu tài liệu, 200 ngàn ấn phẩm truyền thông được biên soạn và phát hành đến các khu cách ly tập trung, gia đình và cộng đồng, hàng trăm bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em sớm được quan tâm triển khai…
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu tại hội nghị trực tuyến mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc với 25 điểm kết nối, tại Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố đang hoặc đã là điểm nóng của đại dịch để đánh giá và tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại dịch đến trẻ em.
Từ nơi dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ông Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề xuất, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên địa bàn thành phố để đánh giá tình hình và kịp thời chỉ đạo địa phương xây dựng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em an toàn trong khu phong tỏa, khu cách ly tạm thời.
Kết nối các dịch vụ xã hội sẵn có từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và đàm phán với các dự án để chuyển đổi hoạt động sang hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em, cho gia đình trẻ đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kịp thời, phù hợp.
Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến trẻ em, TS Annie Chu - Điều phối viên Nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: “Các bằng chứng hiện có cho thấy trẻ em ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do nhiễm COVID-19 so với các nhóm tuổi khác.
Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là chúng ta phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như giữ khoảng cách an toàn, tránh đám đông và tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay. Các biện pháp phòng ngừa riêng của người lớn cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa lây truyền vi rút cho trẻ em”.
Đại diện UNICEF phát biểu tại hội nghị trực tuyến về trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH.
Thực tế cho thấy, trẻ có thể nhiễm virus trong giọt bắn thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc chạm tay vào chất tiết bám trên bề mặt đồ chơi, cầu thang, lan can... Ngoài ra, biến thể Delta lơ lửng lâu trong không khí, nhất là môi trường kín.
Những gia đình trong hẻm sâu, chật hẹp thường có số lượng F0 nhiều hơn hộ gia đình riêng lẻ. Trong các chung cư, khối nhà tiếp xúc với không gian mở, nhiều khí trời và ánh sáng ít bị nhiễm hơn những khối nhà khuất, không thông khí.
“Các gia đình nói chung cần chú ý vấn đề vệ sinh, thông thoáng nhà cửa, có ánh nắng mặt trời để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, không chỉ riêng SARS-CoV-2” - là khuyến cáo của ngành Y tế.
Từ góc độ của Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng lưu ý các thành viên trong gia đình cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao tại nhà theo chương trình “Cả nhà tập ngay - đánh bay COVID” mà Tổng cục Thể thao đã phát động, hướng dẫn.
Hiện nay, ngành Giáo dục đang duy trì dạy và học online, ngừng đến trường nhưng không ngừng học, tuy nhiên, việc thiếu mạng Internet, thiết bị kết nối như điện thoại, máy tính là vấn đề mà trẻ em nhiều vùng khó khăn đang phải đối mặt dẫn đến việc học tập khó đạt kết quả tốt.
Do đó, sau khi đại dịch đã tạm lui thì việc mở cửa lại trường học là cần thiết và theo PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD- ĐT, để đảm bảo mọi trẻ em đều được học tập thì cần sớm có hướng dẫn bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học trong điều kiện dịch COVID-19 còn kéo dài và hướng dẫn quy trình xử lý khi phát sinh các tình huống về dịch bệnh…
Bố trí tiêm phòng vaccine cho trẻ em khi có đủ điều kiện
Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, để kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại dịch đến trẻ em thì việc thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm COVID-19 cho trẻ em là rất quan trọng.
Trong đó bao gồm ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em bị nhiễm COVID-19 tại các cơ sở y tế; trẻ em phải cách ly để phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung; đảm bảo an sinh xã hội cho trẻ em, quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; xây dựng, tổ chức các chuyên mục phổ biến kiến thức, kỹ năng, các sân chơi, cuộc thi, trò chơi, bài tập rèn luyện thể chất và tinh thần cho trẻ em và gia đình trên truyền hình, trên môi trường mạng để hướng dẫn việc chăm sóc sức khỏe, tâm lý xã hội, phòng ngừa sang chấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong đại dịch; bố trí tiêm phòng vaccine cho trẻ em khi có đủ điều kiện...
“Lợi ích tốt nhất, quyền và sự bảo vệ tốt nhất của trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách, quyết định và hướng dẫn liên quan đến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19. Các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng cần được tiếp tục. Cán bộ, nhân viên tuyến đầu tiếp xúc với trẻ em cần được trang bị khẩn cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em” - bà Lesley Miller - Phó Trưởng Đại diện UNICEF nhấn mạnh.
|
Hồng Minh - Pháp luật Plus