V-League đang ở thế tiến thoái lưỡng nan
Kinhte&Xahoi
Giải bóng đá VĐQG, LS V-League đang phải tạm hoãn vì dịch COVID-19 và hiện chưa chắc chắn ngày trở lại. Phía trước, BTC giải sẽ phải đối diện rất nhiều vấn đề khó khăn, thậm chí cả pháp lý nếu tình hình diễn ra không “xuôi chèo, mát mái”.
Một buổi tập của CLB TPHCM Ảnh: Hữu Phạm
Trên thực tế VPF vừa qua đã chủ động đưa ra 2 phương án để V-League và các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia trở lại, phụ thuộc vào AFC Cup. Tuy nhiên, điểm chốt của kế hoạch này vẫn là diễn biến dịch COVID-19. Dịch phải được kiểm soát thì giải mới có thể “chạy”.
Tuy nhiên, đây lại là vấn đề không ai có thể chắc chắn. V-League đã từng trở lại rất ngoạn mục sau giai đoạn nghỉ dịch đầu tiên, nhưng đợt bùng phát ở Đà Nẵng hồi đầu tháng 7 đã khiến toàn bộ các giải bóng đá tiếp tục rơi vào trạng thái “đóng băng”. Vấn đề khó khăn nhất của V-League là ở chỗ, những nhà tổ chức phải cân bằng lợi ích tổng thể, đồng thời “chiều chuộng” lợi ích của từng cá thể, ở đây là các CLB. Mười bốn đội bóng khác nhau, có vị trí hiện tại trên bảng xếp hạng khác nhau, tiềm lực tài chính, nhân lực và cả mục tiêu… khác nhau, đó là bài toán không dễ giải.
Không khó để nhìn ra điều này từ phản ứng của các CLB trong giai đoạn vừa qua. Một số đội đã kiến nghị dừng giải đấu, trao cúp vô địch cho Sài Gòn FC. Không khó để nhận ra đây là những đội có tài chính yếu, vị trí phía đáy bảng xếp hạng như Quảng Nam, Thanh Hoá, SLNA… Đấy là chưa kể, nội bộ VPF còn tồn tại những vấn đề khác khiến câu chuyện càng khó khăn hơn. Đơn cử như trên một tờ báo, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ, người ban đầu khuyên ông nên kiến nghị dừng giải là Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng. Nhưng khi SLNA đưa ra kiến nghị trên thì Hải Phòng lại… không đả động gì cả. Ông Trần Mạnh Hùng đang là Phó chủ tịch HĐQT VPF nhưng lại đưa ra một lời khuyên ngược với ý chí của BTC, đó là một vấn đề và chưa kể Hải Phòng vừa qua cũng đã chớp thời cơ lấy nguyên 3 cầu thủ trụ cột của Than Quảng Ninh cho mục tiêu trụ hạng.
Hãy thử phân tích kỹ hơn về kiến nghị dừng giải, trao cúp cho Sài Gòn FC hoặc công nhận vị trí để đội bóng này dự cúp châu lục mùa sau. Xin chỉ ra một ví dụ cụ thể về trường hợp này. Hồi tháng 3, giải VĐQG Bỉ đã tổ chức họp và các CLB đã bỏ phiếu trao cúp vô địch cho Club Brugge. Giải đấu của Bỉ chỉ còn 1 vòng (đã thi đấu 29 vòng), Club Brugge cũng đang hơn đội thứ 2 Gent tới 15 điểm. Gent được dự vòng sơ loại UEFA Champions League và 3 đội đứng dưới dự Europa League. Quyết định tưởng như rất thuyết phục nhưng UEFA sau đó đã “tuýt còi”. Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin tuyên bố các đội bóng của Bỉ có thể mất quyền tham dự các cúp châu Âu.
Điều này cho thấy mọi quyết định đưa ra trong mùa dịch đều rất khó khăn và cần tới rất nhiều sự thống nhất giữa BTC cũng như các CLB. V-League mới qua 11 vòng đấu, cách biệt giữa Sài Gòn FC với các đội phía dưới là khá nhỏ. Mọi quyết định của BTC có lợi cho đội bóng này đều có thể vấp phải phản ứng từ các CLB khác bởi mọi thứ hiện tại đều chưa có gì là thuyết phục. Chưa kể liên quan đến cấp châu lục, VFF hay VPF đều phải chờ cái gật đầu của AFC.
V-League nếu huỷ giải thì một số đội bóng nghèo hay chính xác hơn chủ tịch những đội bóng này sẽ bớt đi một gánh nặng, vừa không phải trả đầy đủ lương, thưởng cho cầu thủ, vừa tránh nguy cơ rớt hạng. Nhưng tính kỹ hơn thì việc huỷ giải dẫn tới ngừng thi đấu trên dưới nửa năm, hệ luỵ thậm chí còn lớn hơn với tổng thể nền bóng đá. Cái khó là nếu VFF và VPF không cân nhắc thấu đáo thì V-League khó lòng trở lại “xuôi chèo, mát mái”, thậm chí nhà tổ chức còn đối diện vấn đề pháp lý nếu CLB bỗng nhiên lại… thích kiện.
Nguyên Phong - Theo Tiền Phong