Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021 với 22 điểm cầu trong nước và 8 điểm cầu tại các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn phát biểu chiêu thương tại hội nghị. Ảnh:BGP/Nguyễn Miền
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết: "Năm 2021, sản lượng vải thiều của Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn, tăng khoảng 15 nghìn tấn so với năm 2020. Năm 2021, trước những khó khăn của dịch Covid-19, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và sự chung tay của cả nước, Bắc Giang đã khống chế, quản lý chặt các đối tượng F0, không để dịch bệnh lây ra cộng đồng.
Song song với đó, Bắc Giang có những cách làm năng động, sáng tạo và triển khai các giải pháp hết sức cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều Lục Ngạn an toàn, không dịch bệnh Covid-19".
"Hiện nay, vải thiều của Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 Quốc gia gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các Quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác" - ông Phan Thế Tuấn cho hay.
Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19, theo ông Phan Thế Tuấn, tỉnh Bắc Giang khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng trên các Sàn thương mại điện tử: Alibaba, yunnan.cn, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, postmart.vn; Thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, landing, zalo…
Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị như: Aeon, Mega Market, Lotte, Central Retail (GO! BigC), Vinmart+, Saigon Co.op…, các chợ đầu mối hoa quả ở TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Đồng Nai...
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... Các vùng trồng vải thiều đều đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn mong muốn, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các cơ quan truyền thông và các địa phương trong nước và các nước trên thế giới tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang thực hiện các chương trình tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19; Thông tin, kết nối tiêu thụ vải thiều với thông điệp "Vải thiều Bắc Giang an toàn với dịch Covid-19", "Vải thiều Bắc Giang chất lượng cao, không Covid-19".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh an toàn, vừa phát triển kinh tế, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp các Bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết các vấn đề về chính sách, tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa.
Bộ cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như Bắc Giang.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: "Điểm mới trong hoạt động phối hợp, hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông, lâm, thủy sản năm nay đó là Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động làm việc từ sớm với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho nông sản trên thị trường trong nước, lấy thị trường trong nước làm nền tảng.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp các thị trường quốc tế. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ quả vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương đang vào vụ hiện nay.
Về cơ bản việc tổ chức tiêu thụ quả vải thiều của Bắc Giang đến thời điểm hiện tại tương đối thuận lợi. Trong đó 60% là tiêu thụ trong nước, 40% xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ; Không có hiện tượng ép giá, ép cân đảm bảo hiệu quả cho người sản xuất".
Bộ Công Thương tin rằng, mặc dù khó khăn rất nhiều do dịch nặng nề, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân, việc tiêu thụ quả vải thiều năm nay sẽ thuận lợi, đảm bảo thu nhập cho người trồng vải.
Trái vải thiều trên đất Nhật Bản.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh: "Tỉnh Bắc Giang có vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, vải thiều Bắc Giang được sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ, có hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dầy, làm nên thương hiệu nổi tiếng và đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Hằng năm, vải thiều Bắc Giang có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng mùa vụ này, vải thiều tươi Bắc Giang đã được bày bán rộng rãi ở thị trường trong nước và các nước: Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Singapore...".
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên toàn thế giới, theo ông Lê Ánh Dương, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021. Đồng thời triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh. Đặc biệt, đã phát huy tinh thần hữu nghị, hợp tác với các bạn hàng truyền thống, có sự liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ từ các bạn hàng quốc tế, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh nông sản.
Tại hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu trong nước, các doanh nghiệp, chợ đầu mối, TP lớn và đại diện các điểm cầu của Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã phát biểu cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ tốt nhất.
Hùng Tâm - Pháp luật Plus